'Bóng Kơ nia' của dân làng Jrăng Blo

20 năm là “bóng Kơ nia” của bà con, già làng Rơ Chăm Glúch (sinh năm 1948, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai), ngoài phát triển kinh tế gia đình trở thành một trong những hộ khá giả nhất làng, người cựu chiến binh này còn giúp đỡ nhiều hộ dân làng Jăng Blo vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhờ trồng cây điều áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Già làng Rơ Chăm Glúch trong vườn điều của gia đình.

Chính vì thế, vị già làng này đã chiếm được trọn vẹn tình cảm thương yêu của bà con dân làng và là một "địa chỉ" tin cậy của chính quyền trong việc kết nối, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Nhiều năm trở lại đây, cây điều trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và là cây xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới huyện Ia Grai. Làng Jăng Blo cũng không ngoại lệ, cuộc sống bà con vùng biên thay da đổi thịt, ấm no hơn nhờ thu hoạch từ cây điều.

Anh Rơ Chăm Hoạch, làng Jăng Blo, cho biết: Trước đây gia đình anh thuộc diện nghèo nhất làng, mặc dù có đất sản xuất nhưng không biết cách canh tác nên cuộc sống luôn thiếu thốn. Năm 2003, anh được già làng Rơ Chăm Glúch cho một ít hạt điều giống và hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất biên giới nắng gió cùng với cách chăm sóc đúng kỹ thuật mà già Glúch truyền dạy, vài năm sau, vườn điều nhà anh Hoạch cho thu hoạch với năng suất cao. Sau vụ, già làng Rơ Chăm Glúch còn hướng dẫn anh cách chọn hạt khỏe để ươm giống gieo trồng cho mùa sau. Chỉ sau 3 năm, gia đình anh Hoạch đã có 3 ha điều, nhờ đó gia đình anh thoát nghèo, có của ăn của để, con cái được đến trường.

Không chỉ riêng gia đình anh Rơ Chăm Hoạch biết ơn già làng Rơ Chăm Glúch mà hầu hết người dân làng Jrăng Blo luôn nhắc đến vị già làng này với sự trân trọng. Già làng Rơ Chăm Glúch  kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân trong quân ngũ. Sau khi xuất ngũ, ông giữ cương vị Xã đội trưởng xã Ia Khai cho đến tuổi về hưu, đồng thời, vì sự suy tín của mình, năm 50 tuổi, ông được bầu làm già làng đến tận bây giờ. Là một cựu chiến binh, ông phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong việc gìn giữ sự bình yên, xây dựng cuộc sống ấm no cho dân làng. Ông tiên phong trồng điều, thành công rồi ông lại nhân giống phát cho người dân rồi hướng dẫn họ cách trồng, chăm sóc. Hiện tại vườn điều hơn chục héc-ta của ông cho thu hoạch trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Già làng Rơ Chăm Glúch vui vầy bên cháu ngoại.

Không chỉ hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, già làng Rơ Chăm Glúch còn là chỗ dựa tinh thần của bà con, đem lại sự bình yên cho bà con vùng biên giới. Câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu nhưng người dân làng Jrăng Blo vẫn còn nhắc mãi vì mức độ nghiêm trọng và phức tạp của nó. Mâu thuẫn xuất phát từ việc người cha của bạn gái không cho mình lấy người yêu, Puih Thi đã giết ông Ksor Thim trong một lần cãi vã. Thi vào tù nhưng ân oán bên ngoài giữa hai dòng họ nảy sinh dữ dội. “Phép vua thua lệ làng”, gia đình ông Thim muốn xử lý theo luật “mạng đền mạng”. Nhiều lần xô xát, chính quyền vào cuộc giảng hòa nhưng không thành công. 

Cả tuần liền, vị già làng phải thức đêm đến từng gia đình hai bên khuyên giải, tháo gỡ mọi khúc mắc, hận thù giữa hai bên. Lúc đầu họ không nghe nhưng với biện pháp mưa dầm thấm lâu, già Glúch vẫn thiện tâm đến khuyên giải và kể cho bà con nghe về sự đoàn kết một lòng của ông bà xưa, tình cảm dân làng bao năm chung sống… Hận thù dần dần được hóa giải, bà con trong làng lại cùng vui mừng đón Puih Thi mãn hạn tù về làm lại cuộc đời. Họ cùng ngồi uống rượu cần, sum vầy quanh vị già làng đáng kính để nghe già hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Mai Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khai, cho biết: Không chỉ là một vị già làng mẫu mực trong lối sống, già Glúch thực sự là một vị thủ lĩnh tinh thần uy tín, bản lĩnh của dân làng Jăng Blo. Già là sợi dây gắn kết giữa chính quyền địa phương với người dân trong làng, nhờ vậy mà mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai kịp thời, đúng hướng. Nhiều năm nay, khu vực này không có trường hợp vượt biên trái phép, cuộc sống bà con vùng biên luôn giữ được sự bình yên.

Con cái ăn học đến nơi đến chốn, gia đình khá giả bậc nhất làng, già làng Rơ Chăm Glúch vẫn giữ lối sống giản dị, thường xuyên giúp đỡ cho bà con vay vốn phát triển kinh tế. Làng Jăng Blo có hơn 140 hộ dân, tất cả là người dân tộc thiểu số, thì hơn một nửa số đó thuộc diện khá giả, có trong tay từ 2-3 ha điều, chưa kể cao su, cà phê… Trước đây, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ hơn 50%, nhưng vài năm trở lại đây, vùng quê Jăng Blo đã có nhiều khởi sắc, số hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Nhìn quê hương phát triển trù phú, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, cuộc sống vùng biên tuy xa xôi nhưng yên bình, khá giả phần nào già Glúch cảm thấy hạnh phúc với những cống hiến của mình. Nhiều năm liền già làng Rơ Chăm Glúch nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp trao tặng.

Bài, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Già làng bảo tồn chữ viết của người Chu Ru
Già làng bảo tồn chữ viết của người Chu Ru

Hiện nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng già làng Ya Loan (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) vẫn tích cực truyền dạy chữ viết của đồng bào dân tộc Chu Ru cho mọi người. Ở buôn làng, người dân thường gọi ông là “thầy Ya Loan”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN