Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trong những năm qua, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, với nhiều cơ chế, chính sách thu hút nhân tài. Thành phố cũng tập trung đầu tư cho hạ tầng khoa học và công nghệ, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nguồn lực chung thành phố còn hạn chế nên việc đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn gặp khó khăn, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác dự báo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Vì vậy, lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe các ý tưởng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, cũng như tập trung đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quan trọng này.
Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực cần có cơ chế, chính sách thiết thực, để tiếp tục đào tạo, tạo động lực giữ chân lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ hiện tại tiếp tục cống hiến, đóng góp. Ngoài ra, Đà Nẵng cần khơi dậy được niềm đam mê khoa học tự nhiên cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trong các trường học. Thành phố cũng cần đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác, tham gia hoạt động khoa học trong nước…
Nói về cách tiếp cận trong tìm kiếm, tuyển dụng và sử dụng nhân tài phù hợp với tình hình mới, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Cách đây hơn 20 năm, thành phố đã có đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đề án đã dành khoảng 700 tỷ đồng để đào tạo 613 học viên, tuy nhiên có 215 học viên rút khỏi đề án sau khi tốt nghiệp, chiếm 35%.
Theo ông Bùi Văn Ga, thu nhập, môi trường làm việc là một trong những nguyên nhân khiến một số học viên bỏ việc. Ông Bùi Văn Ga đề xuất các giải pháp là "lưu thông chất xám", không phải thu hút nhân tài về rồi "đóng chốt" họ tại địa phương. Có thể dùng nguồn nhân lực chung của cả khu vực, cả nước hoặc thế giới, khi địa phương cần thì thu hút, sử dụng họ, xong một thời gian sẽ để họ đi. Bên cạnh đó, các địa phương cần đổi mới cơ chế tuyển dụng, cần tìm người giỏi để mời về làm việc, chứ không nên chỉ đặt ra chính sách rồi chờ họ đến…
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, số lượng cán bộ R&D (hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển) tính theo đầu người của thành phố thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Duyên hải miền Trung và cao hơn trung bình cả nước. Năm 2021, số lượng cán bộ R&D tính theo đầu người của Đà Nẵng là 4.265 so với trung bình vùng là 1.709; số lượng tiến sỹ/vạn dân của Đà Nẵng là 35,8 so với trung bình vùng là 0,83. Thành phố Đà Nẵng hiện có 12 trường đại học, riêng Đại học Đà Nẵng có hơn 2.100 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có hơn 110 giáo sư, phó giáo sư và 450 tiến sỹ…
Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ luôn có đóng góp ổn định, bền vững trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, một trong 21 nhóm ngành kinh tế cấp 1 của Đà Nẵng, vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch COVID-19 (năm 2022 tăng 5,59%). Trong 10 năm qua, có 242 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ thành phố…