Các đại biểu đã quan tâm, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến bức xúc của cử tri thành phố thời gian qua như: Công tác thu gom, xử lý rác thải còn lộn xộn; bất cập về nhà ở xã hội; nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng đất; xử lý ngập úng vào mùa mưa; tạo thêm cảnh quan, cây xanh phục vụ du lịch...
Chất vấn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường (Tổ đại biểu quận Thanh Khê) cho biết, hiện tại rất nhiều dự án thành phố đã giao đất cho nhà đầu tư từ những năm 2010 - 2015 nhưng chưa triển khai, điển hình như các dự án ven biển tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Khu đất 84 Hùng Vương. Năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương rà soát tổng thể để thu hồi theo quy định, tuy nhiên đến nay các dự án này vẫn chưa thực hiện đầu tư. Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường kiến nghị rà soát và xử lý vi phạm hành vi không đưa đất vào sử dụng và đề xuất thu hồi dự án.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết đơn vị này đã căn cứ Luật Đất đai 2013 để kiểm tra việc sử dụng đất, đưa đất vào sử dụng, tiến độ triển khai thực hiện dự án đối với các khu đất trên địa bàn thành phố. Kết quả, đã kiểm tra 206 dự án, khu đất (xác định 81 dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng theo quy định nêu trên). Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các Quyết định gia hạn theo quy định, thu số tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách hơn 345 tỉ đồng.
Lý giải về việc nhiều dự án chậm triển khai, ông Tô Văn Hùng cho rằng, trước đây tại thành phố Đà Nẵng có tình trạng giao đất, cho thuê đất không có dự án; các sai phạm này đã được chỉ ra trong các Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện nay, các sở, ngành đang tích cực giải quyết các vướng mắc về giao đất, cho thuê đất, hoàn tất các thủ tục để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Đối với các dự án không đủ điều kiện về thủ tục pháp lý, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố thu hồi các dự án. Việc tháo gỡ các vướng mắc được thực hiện đúng theo các Kết luận thanh tra, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, hài hòa với lợi ích của người dân - doanh nghiệp và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Đại biểu Trần Lê Tuấn (Tổ đại biểu quận Sơn Trà) nêu ý kiến: Hiện nay nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tương đối lớn. Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cần có giải pháp đảm bảo về nhà ở xã hội cho nhóm người có thu nhập trung bình - thấp, là công nhân, viên chức, những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, nhà ở xã hội là vấn đề an sinh xã hội được thành phố hết sức quan tâm. Tính đến hết năm 2021, thành phố đã hoàn thành hơn 13,9 nghìn căn hộ chung cư và hơn 1,8 nghìn phòng ký túc xá sinh viên; trong đó có hơn 10 nghìn căn chung cư và các phòng ký túc xá sinh viên được hoàn thành bằng vốn ngân sách Nhà nước; đồng thời có hơn 3,3 nghìn căn hộ hoàn thành bằng vốn ngoài ngân sách.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai dự án Chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên (209 căn) và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng 2 Khu ký túc xá tập trung tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (728 căn) sang nhà ở cho công nhân, người lao động. Đồng thời, với nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thành phố có 4 dự án đang xây dựng với 2.691 căn, chuẩn bị khởi công 1 dự án với 1.481 căn và triển khai kêu gọi đầu tư 4 dự án khác với khoảng 4.000 căn (dự kiến triển khai trong 2023 - 2024). Tuy nhiên cũng có một số dự án đang bị chậm tiến độ. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Chủ trì phiên chất vấn, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý các lãnh đạo sở, ngành cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, góp ý, kiến nghị của các đại biểu dân cử; sớm có biện pháp xử lý, khắc phục các vấn đề: Đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chung cư xuống cấp, ngăn ngừa tình trạng ngập úng cục bộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở xã hội, xử lý các dự án “treo” theo đúng quy định pháp luật...
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị các ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, kịp thời thông tin đến người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương trong việc phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất của các khu chung cư nhà ở xã hội. Các lãnh đạo sở, ngành lưu ý ngăn chặn các hoạt động bất chính nhằm lợi dụng chính sách nhà ở xã hội, bố trí không đúng đối tượng...