Đà Nẵng triển khai chương trình 'Thành phố sạch, đại dương xanh'

Sáng 2/11, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) tại Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. 

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 14 điểm cầu từ các cơ quan ở Trung ương, tổ chức, đối tác như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam...

“Thành phố sạch, đại dương xanh” là chương trình hàng đầu của USAID nhằm chống ô nhiễm nhựa đại dương, triển khai trong 5 năm (2019-2024). Chương trình hoạt động trên toàn cầu nhằm giảm thiểu các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương, tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh chóng, ước tính khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước triển khai chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”. Hoạt động của chương trình CCBO tại Đà Nẵng bao gồm: hỗ trợ chính quyền thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương; hỗ trợ thực hiện các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa về trang thiết bị, tư vấn, theo đề xuất; hỗ trợ thực hiện Dự án “Tăng cường hợp tác công – tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng”...

Dự án “Tăng cường hợp tác Công - Tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” có ngân sách 161.000 USD, dự kiến được thực hiện trong 20 tháng (từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023). Các hoạt động chính của dự án gồm: cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế; nâng cao năng lực cho người, đơn vị thu gom rác; kết nối thị trường rác tái chế thông qua thương mại số; tài liệu hóa và chia sẻ mô hình.

Dự báo, đến năm 2030, tổng khối lượng rác thải nhựa trên địa bàn Đà Nẵng là 228 tấn mỗi ngày, trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.800-2.000 tấn mỗi ngày. Tại hội thảo, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường như: còn thiếu các thiết bị thu gom rác thải sau phân loại, chưa có các cơ sở thu mua, tái chế rác thải xứng tầm, cần nâng cao ý thức chung của người dân trong bảo vệ môi trường...

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Phú Song Toàn (Đại học Đà Nẵng) cho rằng cần triển khai hiệu quả, đồng bộ về cách thức thu gom, phân loại rác thải đến từng quận huyện, phường xã. Đồng thời, việc xây dựng ý thức cho người dân cần thời gian dài, nên phải can thiệp ngay bằng khoa học - công nghệ như: bẫy rác ngay tại cống, thu gom rác trên cửa sông để giảm đáng kể lượng rác ra biển.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng, những năm gần đây, hiệp hội đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình hoạt động nhằm nâng cao ý thức và góp phần thực tiễn vào công tác bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Cụ thể, một số doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh tổng hợp Ân Điển tặng hơn 10 ngàn chai đựng nước thủy tinh để thay chai nhựa, 100 lồng thu gom rác tái chế tại các điểm công cộng, trồng cây xanh (tổng trị giá hơn 850 triệu đồng); hệ thống giáo dục Sky Line trồng hơn 1.000 cây xanh (trị giá 350 triệu đồng) tại huyện Hòa Vang; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vân Nam với công tác trồng cây, ủng hộ chai nước thủy tinh (giá trị hơn 100 triệu đồng)... Trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng, duy trì các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường như phủ xanh cây, tăng cường tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa...

Kết luận hội thảo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đề nghị các cấp chính quyền, sở ngành, địa phương, trong thời gian tới cần ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa trong cộng đồng; lưu ý tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức cho đối tượng học sinh, sinh viên. Đồng thời, các sở, ban, ngành cần chủ động phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin để Sở Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy, triển khai có hiệu quả, vận dụng hết nguồn hỗ trợ của chương trình CCBO. 

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội thảo trực tuyến. 

Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” hoạt động để giảm ô nhiễm nhựa đại dương bằng cách khuyến khích tái chế nhựa thông qua các chính sách và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, đồng thời trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ người lao động; nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và quốc gia để cải thiện quản lý chất thải rắn và một nền kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào các mô hình kinh doanh, công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp với địa phương; xây dựng sự thay đổi hành vi và xã hội về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. Chương trình CCBO đang được triển khai tại một số nước châu Á (Việt Nam, Philippines, Sri Lanka, Maldives và Indonesia) và ở châu Mỹ Latinh (Dominica và Peru).

Tin, ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
Quy hoạch sử dụng đất đai phải hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, biến đổi khí hậu
Quy hoạch sử dụng đất đai phải hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, biến đổi khí hậu

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN