Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, Đà Nẵng đã trải qua 24 ngày phòng, chống dịch COVID-19 (trong đợt dịch tháng 5/2021). Ngày 26/5, thành phố không có ca dương tính với SARS-CoV-2 và vẫn duy trì xét nghiệm hơn 25.000 lượt người. Đây là kết quả tích cực, tuy nhiên, thời điểm này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, chưa đủ cơ sở để khẳng định địa bàn thành phố đã “sạch” COVID-19 trong cộng đồng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước phức tạp, do vậy Đà Nẵng cũng không chủ quan.
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cơ quan chức năng thiết lập các chốt kiểm soát trên đường bộ, đường không, đường thủy; thay đổi phương thức kiểm soát người ra, người vào và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chúng ta đang muốn làm sạch bên trong nội bộ thành phố thì phải có giải pháp phòng, chống dịch từ bên ngoài. Thời điểm này không có nhiệm vụ nào cao hơn nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, nên phải phân bố lực lượng phù hợp”.
Về công tác xét nghiệm, ông Quảng đề nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh việc hoàn thành xét nghiệm trong nhà máy, doanh nghiệp và tiếp tục xét nghiệm hộ gia đình. Trong đó, xét nghiệm lần 2 cho các công nhân Khu công nghiệp An Đồn; ngành y tế chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm ngẫu nhiên; tiếp tục tăng cường siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, thực hiện phong tỏa mềm và cứng.
Các địa phương, cơ quan chức năng triển khai công tác thanh, kiểm tra tại khu sản xuất, khu công nghiệp, nơi làm việc đông người; thông báo về kết quả xét nghiệm của các doanh nghiệp; yêu cầu các chủ doanh nghiệp và người lao động ký cam kết các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu xảy ra trường hợp người lao động mắc COVID-19 thì doanh nghiệp phải chịu mọi trách nhiệm và tạm dừng hoạt động.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thống nhất việc cho phép hoạt động trở lại đối với taxi, xe công nghệ, giao hàng (dự kiến vào ngày 28/5). Tuy nhiên, phải có điều kiện kèm theo như chủ phương tiện phải có cam kết phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; phải được xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; xét nghiệm lần 2 sau thời gian hoạt động trở lại; khai báo y tế điện tử hàng ngày. Riêng các phương tiện taxi dưới 9 chỗ, xe Grab Car vận chuyển không quá nửa số khách trên xe.
Đối với chủ doanh nghiệp, chủ quản các phương tiện xe công nghệ, đề nghị chỉ cấp tài khoản cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bổ sung tính năng kết quả xét nghiệm trên ứng dụng; cung cấp danh sách đối tác để thành phố thông báo việc khai báo y tế, xét nghiệm, truy vết kịp thời khi cần. Nếu các trường hợp lái xe vi phạm sẽ xử phạt theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 25/5 đến 13 giờ ngày 26/5, Đà Nẵng không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Từ ngày 3-26/5, Đà Nẵng có 154 trường hợp mắc COVID-19.
Đà Nẵng đang điều trị 159 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 90 ca dương tính (77 ca lây nhiễm tại Đà Nẵng, 13 ca nhập cảnh); có 33 bệnh nhân đã âm tính lần 1, có 4 bệnh nhân âm tính lần 2 và 2 ca nặng. Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang điều trị 69 bệnh nhân COVID-19 lây nhiễm tại Đà Nẵng; có 15 bệnh nhân đã âm tính lần 1 và 5 bệnh nhân âm tính lần 2.
Đà Nẵng đang thực hiện cách ly, giám sát 1.799 trường hợp F1 và 2.535 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Trong ngày 26/5, Đà Nẵng xét nghiệm 25.287 lượt người; từ ngày 3-26/5, xét nghiệm 345.667 trường hợp.
* Ngày 26/5, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng ban hành công văn số 1453/STP-PB-QLXL-TDTHPL về việc hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, đối với người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi, ra viện về địa phương nơi cư trú nhưng không đăng ký theo dõi sức khỏe tại cơ quan y tế có thẩm quyền, có thể bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện hoặc kết thúc việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch khác, tùy theo từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền xác định đúng hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt tương ứng theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.