Đà Nẵng bổ sung các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 22/7, Sở Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng đã chủ trì và phối hợp các sở, ngành liên quan của thành phố Đà Nẵng tổ chức đã tổ chức kiểm tra, nghiệm thu công trình Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng để sớm đưa bệnh viện vào hoạt động.

Chú thích ảnh
Khu ký túc xá phía Tây ở quận Liên Chiểu được bố trí sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế Đà Nẵng đã chủ động lập Bệnh viện dã chiến gần 2.000 giường bệnh để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Khu Ký túc xá phía Tây, đóng ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Khu Ký túc xá này có 5 tòa nhà; mỗi tòa nhà có thể bố trí hơn 350 giường. Sở Y tế thành phố giao cho Bệnh viện Đà Nẵng thiết lập, xây dựng, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, y tế thuốc men nên rất thuận lợi. Dự kiến ngày 23/7/2021, Bệnh viện sẽ được đưa vào hoạt động, trở thành cơ sở 2 của Bệnh viện Đà Nẵng.

Bác sỹ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong vòng 4 ngày, Bệnh viện Đà Nẵng đã hoàn thành toàn bộ các quy trình của một bệnh viện dã chiến theo quy định của Bộ Y tế gồm có: Khu điều bộ, điều hành, khu phân luồng sàng lọc, khu điều trị, khu cấp cứu bệnh nhân, khu xét nghiệm và kiểm soát nhiễm khuẩn. Cùng với đó, việc chuẩn bị về con người cũng được các bệnh viện trên địa bàn chung tay hỗ trợ để thành lập một ê kíp y tế được đào tạo bài bản theo các chức năng nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Bệnh viện dã chiến được trang bị hệ thống camera theo dõi hiện đại. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc men, nhu yếu phẩm vật tư y tế thậm chí có thể điều trị cho những trường hợp bệnh nhân cấp cứu nặng và nguy kịch thì bệnh viện cũng thực hiện cấp cứu được. Hiện nay, bệnh viện đã hoàn thành xong 1 khối nhà điều trị đầu tiên có thể tiếp nhận từ 350 đến 400 bệnh nhân và theo lộ trình 4 khối nhà còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thành đưa vào hoạt động. Dự kiến tổng số phòng điều trị của bệnh viện dã chiến khoảng từ 1.700 đến 2.000 giường bệnh.

*Cũng trong ngày 22/7, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp đưa vào sử dụng Tổng đài gọi tự động thông báo các trường hợp tiếp xúc gần với F0, F1 và hỗ trợ người dân khai báo thông tin y tế. Tổng đài nhằm giúp người dân biết được sớm thông tin mình có tiếp xúc gần với F0, F1 (đến cùng địa điểm, cùng thời điểm) qua các khai báo y tế trước đó; từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình; đồng thời liên hệ, khai báo thông tin dịch tễ với cơ quan y tế để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 cho toàn thành phố.

Thông tin hướng dẫn, hỗ trợ người dân được thực hiện tự động từ Trung tâm Thông tin dịch vụ công (1022); người dân sẽ được nhận cuộc gọi với đầu số hiển thị khi gọi đến máy điện thoại của người dân là: “090.114.1022” và “091.122.1022”; tên nhắn tin SMS là “TP.DaNang”.

*Cùng ngày 22/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng thông tin, tính từ 13 giờ ngày 21/7 đến 14 giờ 30 ngày 22/7, Đà Năng ghi nhận thêm 46 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 37 trường hợp là F1 đã được cách ly tập trung; 2 bệnh nhân được lấy mẫu khu vực điểm nóng liên quan chuỗi Nguyễn Thị Thanh Tuyền- đường Nguyễn Phước Nguyên, có xét nghiệm lần 1 âm tính; 5 bệnh nhân là F liên quan; 2 bệnh nhân lấy mẫu hộ gia đình. Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 22/7, Đà Nẵng ghi nhận 325 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Khu Hồi sức cấp cứu tại bệnh viện dã chiến với các trang bị máy mọc hiện đại. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Hiện, thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.812 trường hợp F1 và 3.594 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Trong ngày 22/7, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm 30.600 lượt người.

Phát biểu kết luận, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các địa phương, ngoài việc giám sát thực hiện chỉ đạo giãn cách của thành phố, cần phải tập trung đến công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm. Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng đã tuân thủ các quy định của Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đúng kế hoạch và đối tượng.

Ông Chinh giao ngành y tế triển khai tiêm vaccine đúng tiến độ, tham mưu việc thành phố xét nghiệm SARS-CoV-2 đúng đối tượng; Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng lớn trên địa bàn để có sự chỉ đạo về việc giãn cách, chăm lo đầy đủ chỗ ăn, ở của công nhân; Văn phòng UBND nghiên cứu thống nhất mẫu xác nhận việc công dân ra đường khi có việc cần thiết…

*Ngày 22/7, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn 4537/UBND-KGVX về việc bổ sung các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng bổ sung các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 12 giờ ngày 22/7 trên toàn địa bàn thành phố, như: Nghiêm cấm các nhà thuốc, các phòng khám tư nhân,…bán thuốc cho những người có biểu hiện ho, sốt, đau họng khi không có chỉ định của bác sĩ và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR kết luận âm tính; không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, tiệc liên hoan, tân gia, sinh nhật…) tập trung quá 5 người tại nhà riêng. Đám tang không để quá 48 giờ, tập trung không quá 20 người tại 1 thời điểm và đảm bảo giãn cách.

Chú thích ảnh
Hoạt động shipper tại Đà Nẵng sẽ bị tạm dừng từ 12 giờ ngày 22/7/2021 để quyết liệt phòng chống dịch. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thành phố yêu cầu dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa tại Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch công mức độ 3, 4; dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm các loại hình ứng dụng công nghệ như GrabCar,...); nhà cách ly với nhà, tổ dân phố, thôn cách ly với tổ dân phố; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác, công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất…

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải thực hiện các phương án phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích việc thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn, uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); chủ động phương án làm việc giãn 50% ca, kíp sản xuất, đối với bộ phận quản lý, gián tiếp làm việc không quá 50% số người...

Trần Lê Lâm, Võ Văn Dũng (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần quản lý nghiêm ngặt trong các khu phong tỏa, cách ly
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần quản lý nghiêm ngặt trong các khu phong tỏa, cách ly

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tới thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Khu phong tỏa tạm thời ở chung cư Ấn Quang, cơ sở thu dung điều trị F0 và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10, TP Hồ Chí Minh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN