Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng).
Theo dõi sát về quá trình tinh gọn bộ máy, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng) khẳng định, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ mang tính cấp thiết mà còn là một phần trong cuộc cách mạng cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Luật tổ chức chính quyền định phương còn góp phần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương; đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong tình hình mới. Trong đó, yêu cầu bộ máy chính quyền địa phương phải tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế phối hợp chặt chẽ; phát huy sự tham gia của các chủ thể trong quản trị địa phương, đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của chính quyền địa phương gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tuy vậy, sự thay đổi này cần được thực hiện đồng bộ với các luật liên quan, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo tính khả thi cao.
Phường An Hải Nam (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) là phường vừa được sáp nhập từ phường An Hải Đông và An Hải Tây vào năm 2025. Hiện phường cũng đang tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục của việc sát nhập, nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn và kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.
Bà Trần Thị Nhâm, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Nam (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).
Bà Trần Thị Nhâm, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Nam (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho hay, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là việc rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp phát huy được vai trò quản lý, trách nhiệm của địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy hiệu quả, giảm một số bộ phận trung gian, lựa chọn những con người tốt nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong thời đại số; giúp địa phương nâng cao sự chủ động, trách nhiệm và quy được trách nhiệm của địa phương rõ ràng khi có vấn để xảy ra.
Theo bà Trần Thị Nhâm, Quốc hội cần sớm thông qua sửa đổi Luật này, đồng thời nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng để nhân rộng ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, Luật cần xem xét đẩy mạnh phân cấp, mở rộng phân quyền trong nhiều lĩnh vực, giúp cơ sở phát huy vai trò trách nhiệm, xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử.