Quyết liệt các giải pháp
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu tối thượng lúc này là chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ người dân, tại nhiều tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt biện pháp cụ thể, cấp bách đã và đang được triển khai một cách quyết liệt.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19. Coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, ở giai đoạn 1 và 2 của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, thành phố phát hành 5 triệu tờ rơi, 5 triệu cuốn Cẩm nang “Hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virrus Corona (COVID-19)” (có bản tiếng Hoa, tiếng Anh) phát đến từng hộ gia đình. Bước vào giai đoạn “vàng” quyết liệt chống dịch, thành phố tiếp tục in 5 triệu tờ rơi tuyên truyền với nội dung: 12 việc cần làm ngay để phòng chống dịch COVID-19, trong đó bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh, từ ngày 28/3 đến 15/4, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, quán giải khát, nhà hàng khách sạn, căng tin cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố không phục vụ cho khách ăn, uống tại chỗ, chỉ bán hàng mang đi, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi. Riêng các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể của công ty, xí nghiệp vẫn hoạt động nhưng giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng một thời điểm.
Cũng từ ngày 28/3 đến 15/4, thành phố tạm ngưng hoạt động hàng loạt tuyến xe buýt; chỉ xem xét duy trì hoạt động một số tuyến có trợ giá có nhu cầu khách đi lại cao, có lộ trình hoạt động trên các tuyến đường trục và không có phương tiện giao thông khác thay thế; tạm dừng tuyến cố định kết nối với các huyện biên giới thuộc tỉnh Long An. Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi và xe ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tỉnh Đồng Nai - một địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung nhiều khu công nghiệp với lượng lớn công nhân lao động cũng tạm dừng hoạt động của các khu vui chơi giải trí, câu lạc bộ bida, sân golf, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (kể cả các trạm dừng chân) với công suất phục vụ 20 người trở lên, từ ngày 27/3 đến hết ngày 15/4/2020.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19; trong đó, lực lượng chức năng của thành phố tổ chức giám sát chặt tại các cửa ngõ, kiểm tra y tế đối với tất cả ngưởi dân ra - vào thành phố; giảm 50% số chuyến đối với một số loại hình vận tải hành khách công cộng kể từ ngày 29/3 đến ngày 15/4.
Bình tĩnh, hành động có trách nhiệm
Sáng 29/3, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, 15 ngày tới là những “giờ vàng” quan trọng quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không. Như vậy, có thể nói, tình thế đang hết sức cấp cách và khẩn trương đòi hỏi mỗi người Việt Nam và cả những người nước ngoài đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành nghiêm các biện pháp khuyến cáo của cơ quan chức năng, với một tâm thế bình tĩnh, tin tưởng, góp phần ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Thời điểm này, hành động có trách nhiệm với mỗi công dân chính là nêu cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp, không ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần thiết, đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, không tiếp xúc, giao dịch và làm việc với người không đeo khẩu trang; không chia sẻ, phát tán các thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật; không kỳ thị người được cách ly y tế...
Bà Nguyễn Thị Thịnh, ở phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Những ngày này, thời tiết ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành Nam Bộ khá nóng, việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở nơi công cộng, nơi làm việc... trong thời gian dài cũng có đôi chút bất tiện nhưng là việc làm rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, mỗi người nên tự giác chấp hành, đừng để lực lượng chức năng nhắc nhở hay xử phạt hành chính chỉ vì không đeo khẩu trang.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hành động của một công dân có trách nhiệm còn là tỉnh táo, bình tĩnh tiếp nhập các thông tin, tuyệt đối không chia sẻ các thông tin liên quan đến dịch bệnh chưa được kiểm chứng. Hành động có trách nhiệm cũng chính là tích cực đóng góp cả về vật chất và tinh thần, trực tiếp và gián tiếp góp phần cùng các lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Mỗi tin nhắn ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh, mỗi chiếc khẩu trang được trao tặng, lời động viên gửi các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch hay sẻ chia khó khăn với người lao động bị giảm thu nhập, mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 qua những món quà hỗ trợ, giảm tiền cho thuê chỗ ở... đều là những hành động thiết thực, góp phần tăng sức mạnh, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 một cách hiệu quả nhất.