Thật tiếc, hậu quả xấu nhất vẫn xảy ra. Cụ thể, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục vi phạm bằng cách phát trên Internet và trên điện thoại di động... Điều đáng nói, trong số các đơn vị vi phạm bản quyền, có nhiều trang báo điện tử, đài truyền hình, công ty truyền thông đã phát sóng clip của giải đấu mà bản quyền thuộc VTVcab.
Sự việc trên đã cho thấy vi phạm bản quyền truyền hình ở Việt Nam đang là vấn đề đáng báo động, khi sự phát triển của Internet ngày càng mạnh mẽ. Với “môn thể thao vua” thì sự vi phạm càng nghiêm trọng hơn.
Ở góc độ người xem truyền hình (khách hàng của VTVcab) thì cách giải thích của VTVcab chưa thuyết phục. Ai cũng hiểu, sự việc xảy ra không chỉ VTVcab bị thiệt hại, mà khán giả truyền hình - những người hâm mộ bóng đá, cũng phải gánh chịu hậu quả. Có ý kiến cho rằng, việc quản lý bản quyền là trách nhiệm của VTVcab. Bởi lẽ, bảo vệ bản quyền là một trong những điều kiện để VTVcab có được quyền phát sóng Champions League và Europa League tại Việt Nam.
Còn với khách hàng, họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng ký kết với VTVcab (đóng tiền thuê bao hàng tháng), thì không có lý gì, VTVcab lại đổ lỗi cho khách quan mà buông bỏ quyền lợi của khách hàng. Rất nhiều khách hàng, phải bỏ tiền mua trọn gói cả trăm kênh truyền hình, nhưng cũng chỉ xem được vài kênh, trong đó các kênh bóng đá lại không được đáp ứng. Điều đó thật khó chấp nhận.
Trước những bức xúc của người hâm mộ, VTVcab cho biết đã thuê một công ty luật xây dựng hồ sơ khởi kiện ra tòa các đơn vị ăn cắp bản quyền.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam hy vọng vào một kết cục rõ ràng, minh bạch nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng đánh cắp bản quyền truyền hình đang diễn ra tràn lan.