1. Việc đội tuyển nữ Việt Nam thua cả 3 trận vòng bảng World Cup 2023 và không ghi bàn nào là kết quả không hề bất ngờ. Thậm chí, chúng ta cũng có những trận đấu đáng khen, như trước tuyển nữ Mỹ (0 - 3) và nữ Bồ Đào Nha (0 - 2).
Nhưng làm thế nào để trở lại sân chơi này thì không hề đơn giản. Thực tế, việc các đại diện Đông Nam Á dự vòng chung kết World Cup nữ 3 lần gần nhất (Thái Lan 2015, 2019, Việt Nam, Philippines 2023) phần lớn xuất phát từ việc "chị đại" Triều Tiên bị cấm thi đấu. Nhưng đến vòng loại World Cup 2027, đội tuyển này sẽ trở lại, và hành trình tìm vé dự vòng chung kết chắc chắn sẽ không hề dễ dàng.
Với đội tuyển nữ Việt Nam, đó cũng sẽ là lúc thế hệ vàng của Thùy Trang, Kim Thanh, Tuyết Dung, Huỳnh Như, và có thể cả Chương Thị Kiều nữa nói lời tạm biệt. Sứ mệnh tìm vé dự vòng chung kết sẽ được trao cho Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Vũ Thị Hoa,… cũng như lứa U19 Việt Nam vừa về nhì ở giải vô địch U19 nữ Đông Nam Á. Mà việc chuyển giao thế hệ luôn tồn tại những khó khăn. Trong khi đó, ngay ở khu vực Đông Nam Á, sự trỗi dậy của Philippines (với nguồn lực dồi dào từ cầu thủ Phi kiều) đã là một thách thức lớn với đội tuyển nữ Việt Nam, chứ đừng nói vươn ra châu lục và thế giới. Ở hai lần gần nhất chạm trán đội bóng này, chúng ta đều thua.
Nhưng con đường đến World Cup của bóng đá nữ Việt Nam xem ra vẫn dễ dàng hơn so với bóng đá nam. Và vì thế, chúng ta cần biến World Cup nữ 2023 thành một cú hích để tiến bộ hơn nữa. Vấn đề là làm như thế nào?
2. Cách đây 25 năm, cố HLV Alfred Riedl từng có câu nói bất hủ: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Vấn đề của bóng đá Việt Nam khi ấy là không phát triển từ tuyến dưới lên mà chăm chăm nhìn vào thành tích của đội tuyển quốc gia trở xuống để đánh giá thành công.
Bóng đá nam Việt Nam bây giờ đã chăm chút đến đào tạo trẻ hơn, giải Vô địch quốc gia đã lên chuyên nghiệp được hơn 20 năm, và phần nào tạo được nền móng cho sự phát triển, cũng như thu hoạch được những thành quả nhất định. Nhưng bóng đá nữ thì chưa. Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia chỉ có vỏn vẹn 7 đội bóng, không có lên xuống hạng (để so sánh, giải vô địch nữ Thái Lan có hai hạng đấu). Dĩ nhiên, một giải đấu như thế sức cạnh tranh kém và việc lựa chọn cầu thủ tiềm năng cho đội tuyển quốc gia chẳng khác gì chuyện so bó đũa chọn cột cờ.
Những vấn đề của bóng đá nữ Việt Nam thì có lẽ nhiều người thấy, nhưng tìm ra lối giải quyết thì vẫn thật sự nan giải. Chúng ta tung hô các cầu thủ nữ nhờ chiến tích dự World Cup, nhưng rất ít người ủng hộ cầu thủ bằng việc lấp đầy các khán đài ở giải vô địch quốc gia. Hệ quả của việc ít khán giả, giải đấu ít được quan tâm chính là việc các nhà tài trợ không hào hứng, và việc thiếu kinh phí hoạt động khiến cho không ít đội bóng phải giải thể (đội bóng nữ Sơn La là một minh chứng).
Bóng đá nữ Việt Nam cần một lộ trình dài hơi, một kế hoạch căn cơ, cần những Mạnh thường quân có tâm, và đương nhiên là sự ủng hộ của người hâm mộ nữa. Để World Cup không chỉ là một giấc mơ, mà là một mục tiêu phù hợp với khả năng của chúng ta!