Gần đây có nhiều tin đồn liên quan đến việc tiền đạo Nguyễn Thị Thanh Nhã có thể tới châu Âu thi đấu sau khi World Cup 2023 kết thúc. Tính chính xác của thông tin trên sẽ được kiểm chứng bằng thực tế, nhưng câu hỏi đặt ra với giới chuyên môn chính là liệu Thanh Nhã đủ năng lực, trình độ để thi đấu ở nước ngoài?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, điều đầu tiên cần xét đến là việc cô gái sinh năm 2001 thi đấu ra sao tại CLB nữ Hà Nội. Thanh Nhã trong màu áo đội bóng Thủ đô đang là điểm sáng khi luôn được ra sân thường xuyên tại Cúp Quốc gia cũng như giải vô địch quốc gia nữ Cúp Thái Sơn Bắc.
Ở trận chung kết Cúp Quốc gia gặp Than Khoáng sản Việt Nam, chính tiền đạo 22 tuổi là người ghi bàn mở tỉ số trận đấu. Dù thi đấu tốt và liên tiếp ghi nhiều bàn thắng quan trọng, nhưng Thanh Nhã lại không phải là mẫu tiền đạo có thể định đoạt trận đấu hay đủ khả năng dẫn dắt lối chơi toàn đội.
CLB nữ Hà Nội xây dựng lối chơi xoay quanh tiền vệ Thái Thị Thảo và tiền đạo chủ lực Phạm Thị Hải Yến. Các vệ tinh phụ trợ cho bộ đôi này là Trần Thị Hải Linh, Biện Thị Hằng, Thanh Nhã và Ngân Thị Vạn Sự. Một cựu cầu thủ cũng từng đưa ra nhận xét về Thanh Nhã: "Thanh Nhã dù hay và tiềm năng nhưng không đóng vai trò quá lớn trong lối chơi của CLB nữ Hà Nội".
Vấn đề thứ 2 ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng xuất ngoại của Thanh Nhã là bộ kỹ năng mà cô sở hữu. "Sát thủ" sinh năm 2001 chơi tốt trong các thế trận phản công, cần bứt tốc đoạn ngắn, chơi với thế cửa dưới, còn cá nhân cô gái 22 tuổi chưa phải là mẫu tiền đạo toàn năng.
Sở dĩ nói vậy bởi chân sút biên chế CLB nữ Hà Nội có lối chơi đơn giản, không phải mẫu cầu thủ kỹ thuật, lắt léo, nguy hiểm khi chơi quay lưng hay chơi phối hợp đập nhả cùng đồng đội. Nếu theo dõi Thanh Nhã đủ lâu sẽ dễ nhận thấy có nhiều trận đấu, nhiều thời điểm cô gái này chạy chỗ tương đối "loạn", không di chuyển hợp lý.
Ở trận đấu gặp đội tuyển nữ New Zealand vừa qua, sau tình huống Thanh Nhã bứt tốc thành công ngoài biên để dứt điểm khi đối mặt thủ môn, cô gần như đã bị bắt bài. Các hậu vệ New Zealand không áp sát vội vàng mỗi khi cô có bóng. Điều này khiến Thanh Nhã bối rối, khó qua người thành công.
Với những chân sút chơi đơn giản và mạnh về tốc độ như Thanh Nhã, hậu vệ đối phương nếu chơi tỉnh táo, giữ khoảng cách, đứng thấp sẽ có thể hoá giải được. Đây là một trong những lý do để "sát thủ" 22 tuổi khó thành công tại châu Âu nếu duy trì lối chơi đơn giản như vậy.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng xuất ngoại của Thanh Nhã là việc cô không giỏi ngoại ngữ. Cô nàng sinh năm 2001 chỉ giao tiếp được rất hạn chế bằng tiếng Anh. Để tới châu Âu thi đấu, tiền đạo này cần trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ để hiểu được ý đồ truyền đạt từ HLV hay đồng đội.
Giao tiếp là chìa khoá gắn kết, hoà nhập với lối chơi của toàn đội bóng. Ví dụ tốt nhất cho Thanh Nhã là trường hợp của Huỳnh Như. Sở dĩ chân sút người Trà Vinh thành công như hiện tại là nhờ vốn tiếng Anh lưu loát. Đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam thậm chí có nhiều thời điểm đóng vai trò phiên dịch cho toàn đội trong các chuyến thi đấu xa nhà.
Nếu tới châu Âu ngay lúc này cùng vốn ngoại ngữ "bập bõm", Thanh Nhã có thể đi vào vết xe đổ của những Văn Hậu, Quang Hải. Ngay cả người có thể giao tiếp tốt như Công Phượng cũng phải chịu chung số phận khi chưa thể xoá nhoà khoảng cách giữa 2 nền bóng đá.
Thanh Nhã là cái tên có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng nếu không trau dồi thêm về chuyên môn, giấc mơ xuất ngoại của cô nàng có lẽ sẽ chỉ tồn tại trong những lời đồn đại.