Trong hội nghị thường niên của Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ mới diễn ra tại New York, Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Wal-Mart Stores Inc, Bill Simon đã đề xuất kế hoạch trong 10 năm tới sẽ mua thêm 50 tỷ USD hàng hóa do Mỹ sản xuất như trang thiết bị thể thao và các thiết bị cao cấp, trong nỗ lực giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ. Ngoài ra, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này sẽ tuyển dụng hơn 100.000 cựu chiến binh trong 5 năm tới, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức cao (7,8%).
Một cửa hàng của Wal - Mart ở Mỹ. |
Kế hoạch trên của Wal-Mart nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, bà Michelle Obama.
Động thái này được đưa ra khi kinh tế Mỹ tiếp tục giảm tốc trong hơn 3 năm rưỡi qua. Tuy nhiên, mức chi tiêu trung bình vào khoảng 5 tỷ USD/năm của Wal-Mart là không đáng kể so với nền kinh tế trị giá 15.000 tỷ USD của Mỹ, và câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu nhà bán lẻ khác có thể làm như vậy.
Terry Lundgren, Giám đốc điều hành của Macy's Inc kiêm Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia cho biết kế hoạch “mua hàng Mỹ” kể trên của Wal-Mart là rất tốt, song chi phí vẫn là một vấn đề.
Các nhà chỉ trích có phản ứng khá lạnh lùng với động thái trên bởi họ nói rằng Wal-Mart đã không trả lương đủ nhiều cho nhân viên, và chỉ trích tập đoàn bán lẻ này đã nhập và bán quá nhiều hàng hóa được sản xuất tại các nước có chi phí sản xuất thấp như Trung Quốc. Wal-Mart cũng chịu sức ép trong việc tìm nguồn hàng cung ứng, nhất là sau sự cố hỏa hoạn ở một nhà máy tại Bănglađét, vốn sản xuất hàng may mặc cho Wal-Mart.
Các chi nhánh của Wal-Mart tại Mỹ cho biết, khoảng 2/3 hàng hóa mà tập đoàn này nhập về các cửa hàng của hãng có nguồn gốc hoặc được sản xuất tại Mỹ. Trước đây, Wal-Mart từng triển khai một chiến dịch “Người Mỹ dùng hàng Mỹ”, nhưng đầu những năm 1990, họ đã bị chỉ trích do quảng bá hàng hóa nước ngoài như những sản phẩm được sản xuất trong nước.
Năm 2012, 55% doanh thu của Wal-Mart đến từ các cửa hàng bán tạp hóa như thực phẩm và đồ uống cũng như các sản phẩm khác có nguồn gốc trong nước. Chỉ có 7% doanh thu là từ hàng may mặc, đồ trang sức, phụ kiện mà các nhà bán lẻ nhập từ các nước có chi phí sản xuất thấp hơn.
Việc Wal-Mart mua nhiều hàng hóa do Mỹ sản xuất phản ánh những thay đổi gần đây trong quan hệ thương mại Mỹ với các nước khác trên thế giới.
Cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lẫn giá trị nhập khẩu ròng của Mỹ đã giảm mạnh trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2007 - 2009. Hiện tại, GDP của Mỹ đã phục hồi trở lại nhưng nhập khẩu ròng lại không chuyển biến như thế, dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước.
Stuart Appelbaum, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán buôn, bán lẻ và các cửa hàng bách hóa, nói: “Các nhà bán lẻ như Wal-Mart có thể góp phần mang lại cú hích cần thiết cho nền kinh tế bằng cách trả lương cao hơn và đưa ra những kế hoạch và lịch làm việc ổn định, trong khi vẫn duy trì lợi nhuận và tiếp tục đưa ra giá bán hàng thấp”.
Wal-Mart nhiều lần nói rằng, mức lương và phúc lợi xã hội trả cho các nhân viên của họ hiện ở tốp đầu trong ngành bán lẻ, ngành đang thu hút 25% lực lượng lao động ở Mỹ.
Doanh số bán hàng của Wal-Mart tại Mỹ đã tăng 1,5% lên 264,19 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2012 và chiếm 59,5% tổng doanh số bán hàng của tập đoàn này trên toàn cầu.
TKT