Vụ thảm sát Paris: Ký ức về một người chồng

Họa sĩ biếm họa Georges Wolinski là một trong 12 nạn nhân của vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1. Vợ ông, bà Maryse, đã tâm sự về chồng mình, và cách bà vượt qua khủng hoảng nhờ những mẩu giấy nhắn ông để lại.

Họa sĩ biếm họa Georges Wollinski và vợ, bà Maryse.


Dưới đây là trích đoạn tâm sự của bà Maryse:

"Buổi sáng ngày 7/1, Georges đi dự cuộc họp ban biên tập hàng tháng tại tòa soạn Charlie Hebdo. George không thường xuyên dự họp ở tòa soạn, nhưng vì đó là cuộc họp đầu tiên trong năm nên anh ấy đã đi. Câu duy nhất, cũng  là câu cuối cùng, anh ấy nói với tôi là: “Anh tới Charlie (tòa soạn)”, rồi đi.

Hôm đó tôi cũng phải đi họp, nên tắt điện thoại. Kết thúc cuộc họp, tôi bật máy lên và vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều tin nhắn của những người không thường xuyên liên lạc. Họ hỏi: “Georges thế nào? Georges có ổn không?”. Tôi đang ngồi trong xe taxi và hỏi tài xế: “Kì lạ quá. Sao mọi người liên tục hỏi chồng tôi có ổn không?”. Anh tài xế nhìn tôi qua gương xe nói: “Bà không biết gì sao? Có một vụ tấn công ở Charlie Hebdo và toàn bộ quận 11 đã bị phong tỏa”.

"Em yêu, anh đi ăn couscous (món ăn Pháp) với Nasser. 10 giờ rồi, đến giờ đi ngủ rồi. Hôn em. G.", ông Georges viết cho vợ.


Tôi đã muốn tới đó ngay lập tức nhưng cậu lái xe nói đó là điều không thể. Ngay sau đó, tôi nhận được điện thoại của con rể: “Mẹ cứ về nhà, đến đó không có ích gì cả. Chúng ta chưa nhận được thông tin gì hết”. Vì vậy tôi về nhà mà lòng đầy lo sợ. Chờ đợi 1 tiếng đồng hồ, tôi có dự cảm không lành, rằng có thể ngày hôm nay sẽ làm thay đổi cuộc đời mình. Không lâu sau, con rể gọi lại cho tôi và nói: “Bố Georges mất rồi”, chỉ như vậy thôi.
 
Tôi ngồi xuống, người run lên. Cơn đau đầu như búa bổ cùng một cảm giác kì lạ ập đến, tôi thấy mình như không còn sống nữa, như thế giới này ngừng lại. Và tôi thấy bản thân mình chẳng còn làm được gì. Tôi biết rằng cuộc sống mà tôi đã trải qua, cả cuộc đời tôi cùng với Georges, đã chấm dứt. Tôi chẳng thể tưởng tượng ra cuộc sống của mình không có anh ấy bên cạnh...

Bức tranh vui ông Georges vẽ vợ mình.


Tôi gặp Georges lần đầu vào tháng 5/1968. Tại Pháp, đó là thời điểm diễn ra các sự kiện lớn, các cuộc diễu hành của thanh niên. Lúc đó, tôi đang là phóng viên tập sự của Le Journal du Dimanche. Georges cũng làm việc ở đó.

Georges là tình yêu sét đánh của tôi. Anh không giống bất kỳ người đàn ông nào tôi từng gặp, và cũng không phải hình mẫu lý tưởng mà bố mẹ tôi mong con gái mình sẽ gặp. Tôi lớn lên trong một gia đình theo đạo Thiên chúa rất nghiêm khắc. Cười lớn và đùa cợt là những việc mà chúng tôi không được phép làm.
 

Một trong những lời nhắn của ông Georges được bà Maryse dán trong nhà:
"21h40, anh đã mua sách của em. Anh đã chuyển bức vẽ cho Cabu. Anh đã ăn đồ Trung Quốc. Anh nghĩ về em và sự can đảm của em. Anh yêu em. Georges".


Georges thì khác. Anh quyến rũ tôi vì sự thông minh và hài hước. Anh đã làm tôi cười, anh đã khiêu khích con người sâu thẳm bên trong tôi. Nó giống như những cánh cửa tâm hồn tôi mở ra một thế giới mới, một vũ trụ mới. Tôi cảm thấy như khi có anh, tôi tìm ra mặt tính cực trong tính cách vốn có của mình. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đầy đam mê. Chúng tôi đã thực sự chung sống trong tình yêu cho đến ngày cuối cùng…

Năm 2002, tôi viết một cuốn sách có tên Separate Rooms (Những căn phòng chia ly), nói về lý do rất nhiều bạn bè của chúng tôi chia tay nhau, và tại sao mà mối quan hệ của tôi và George lại gắn bó đến vậy. Tôi nghĩ yếu tố then chốt là sự hài hước. Bởi George có cách nhìn cuộc đời của riêng anh. Kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc sống, George cũng tìm ra cách đảo ngược mọi thứ, và khiến tôi cười. Và đơn giản như vậy thôi, mọi căng thẳng giữa chúng tôi bay biến không dấu vết.

Những "tin nhắn" yêu thương của họa sĩ Georges dành cho vợ.


Đôi lúc, khi tôi ngồi ở bàn làm việc tại nhà, anh đến ngồi bên và bắt đầu vẽ tôi. Hình ảnh người phụ nữ tóc vàng bé nhỏ trong nhiều bức biếm họa của George chính là tôi. Đồng nghiệp của George hay nói: “Maryse, cô lại xuất hiện trong tranh nữa kìa!” Nhưng mỗi khi không muốn tôi nhận ra, anh đang vẽ mình, anh lại vẽ một cô gái tóc nâu.

"Anh yêu em. Anh đã ăn một chút gan ngỗng, một chút súp và một miếng bánh galette. Anh đang nghĩ về em. Cho đến ngày mai em yêu. Anh hôn em Maryse. Georges".


Georges thường làm một điều đặc biệt mà chắc chắn sẽ khiến tôi mỉm cười hạnh phúc. Vào những ngày không gặp nhau, hay một trong hai phải ra ngoài vào buổi tối, Georges lại viết những mẩu giấy nhắn lại cho tôi. Đó có thể là “Anh đã làm việc này việc kia ngày hôm nay”, hay “Hôn nụ cười đáng yêu của em” nếu tôi đang gặp căng thẳng trong công việc.

Mẩu giấy nhắn trước cửa phòng ngủ của bà Maryse: "Chúc ngủ ngon em yêu. G".


Sau 47 năm biết và 45 năm hôn nhân với Georges, việc anh ra đi là một khó khăn lớn với tôi. Tôi đã dán những mẩu giấy nhắn này xung quanh nhà để luôn cảm thấy có anh bên cạnh. Mẩu giấy cuối cùng tôi nhìn thấy dán trước cửa phòng ngủ viết “Chúc ngủ ngon em yêu”. Nhìn thấy những dòng chữ anh để lại đã phần nào giúp tôi vượt qua nỗi đau quá lớn này".


H.N (Theo BBC)
Xúc động biển người tuần hành phản đối khủng bố tại Pháp
Xúc động biển người tuần hành phản đối khủng bố tại Pháp

Hàng triệu người dân và 40 nhà lãnh đạo thế giới đã tay trong tay tuần hành trên đường phố Paris để tưởng nhớ nạn nhân của những vụ khủng bố diễn ra tại Pháp trong những ngày qua và phản đối chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN