Nhà báo, nhà sử học Philippe Devillers và cuốn sách "Hơn 20 năm với Việt Nam, 1945-1969". |
Ông là một trong những nhà báo Pháp có mặt đầu tiên ở Việt Nam không lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Được chứng kiến những giờ phút lịch sử của nhà nước Việt Nam non trẻ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, ông đã sớm hình thành cho mình quan điểm tiến bộ, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày 3/11/1945, sau ba tuần lênh đênh trên biển, trên con tàu Anh có tên Oronte xuất phát từ cảng Marseille, ông đã đến Đông Dương với tư cách là tùy viên báo chí của tướng Leclerc và phóng viên thường trú đầu tiên của báo Le Monde ở Đông Dương. Tướng Pháp Leclerc lúc bấy giờ là Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Ông đến Việt Nam với nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là núp bóng quân Anh, quay trở lại xâm lược Việt Nam.
Với nhiệt tình của tuổi trẻ, Philippe Devillers đã lao vào khám phá Đông Dương và có nhiều bài viết về tình hình chiến sự ở Việt Nam. Vào cuối tháng 11/1945, theo chỉ thị của Tướng Leclerc, được sự đồng ý của Tổng biên tập báo Le Monde, ông cùng với các nhà báo Pháp khác như Jean Lacouture, Pierre-Maurice Dessinges…, đã lập ra tuần báo "Paris-Saigon" để đăng tải những thông tin mới về chiến sự ở Việt Nam.
Qua thực tế, Philippe Devillers hiểu hơn về cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam, về những góc khuất của cuộc chiến và luôn tự hỏi tại sao nước Pháp vừa trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt chống phát xít Đức lại đi gây chiến với Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên báo Le Monde số ra ngày 20/1/1946, ông đã viết: "Nước Pháp phải nhận thức được rằng một trang mới đã mở ra tại Đông Dương. Sẽ không còn chế độ thuộc địa hay sự giám hộ của Pháp nữa. Từ nay sẽ là sự hợp tác kiểu mới với nhân dân các nước thuộc địa cũ với nhịp độ phát triển ngày một tăng nhanh". Vào thời điểm đó, có rất ít người Pháp có cách nhìn như vậy. Đây cũng là cách nhìn thể hiện quan điểm tương lai của ông trong quan hệ với Việt Nam, một quan điểm dựa trên sự thúc đẩy xây dựng hòa bình, thông qua sự hiểu biết lẫn nhau.
Quay trở về Pháp tháng 10/1946, Phillipe Devillers tham gia phong trào hòa bình, phản đối chiến tranh, trở thành hội viên của Hội Pháp-Việt, hiệp hội hữu nghị đầu tiên kết nối hai dân tộc Pháp và Việt Nam, được nữ nhà báo Andrée Viollis, nhà hoạt động chính trị, người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1946. Trong giai đoạn này, mặc dù là công chức cao cấp trong Ban Thư ký của Chính phủ Pháp, ông vẫn giữ quan điểm phản đối các chính sách sai lầm của Pháp đối với Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông tiếp tục ủng hộ của nhân dân Việt Nam thông qua các bài báo, các buổi nói chuyện tại nhiều diễn đàn quốc tế. Ông cũng đã dịp trình bày quan điểm của mình về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong đợt giảng dạy tại trường Đại học Cornell, bang New York (Mỹ).
Lúc sinh thời, trong một lần trò chuyện với báo chí, ông nói: "Trong cuộc đời, tôi luôn viết các bài báo, cuốn sách ủng hộ mục tiêu cao cả của Việt Nam là độc lập và thống nhất đất nước. Dân tộc Việt Nam đã dũng cảm kiên quyết lựa chọn con đường đấu tranh và đã giành thắng lợi cuối cùng. Dân tộc đó xứng đáng có một cuộc sống tự do, hạnh phúc".
Ông cũng chính là một trong số các thành viên sáng lập Hội hữu nghị Pháp-Việt vào năm 1961. Cuốn sách cuối cùng của Philippe Devillers về Việt Nam có tựa đề "Hơn 20 năm với Việt Nam, 1945-1969" là những trải nghiệm về thời tuổi trẻ gắn bó với Việt Nam của ông, được Nhà xuất bản Les Indes savantes xuất bản năm 2010.
Với những đóng góp to lớn vào tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam và Pháp, ông Philippe Devillers đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương hữu nghị. Vĩnh biệt nhà báo, nhà sử học Philippe Devillers, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, cho tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai dân tộc Pháp-Việt.