Gần 2.000km tương đương với 30% phần tường gạch của Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc đã biến mất do sự tàn phá của tự nhiên và con người.
Một đoạn tường thành bị xuống cấp. |
Một trong những nguyên nhân khiến đoạn tường được xây trong thời nhà Minh (1368-1644) này đang dần bị xóa sổ chính là do người dân bản địa ngang nhiên lấy trộm gạch về xây nhà hoặc bán cho khách du lịch.
Mỗi viên gạch trên Vạn Lý Trường Thành đều được chạm trổ các ký tự Trung Quốc, thường được người dân tỉnh Hà Bắc bán làm quà lưu niệm với giá 30 NDT (hơn 100 ngàn đồng).
Theo luật pháp Trung Quốc, nếu bị phát hiện, hành vi lấy trộm này sẽ bị xử phạt 5.000 NDT (hơn 1,7 triệu đồng).
Theo tờ Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, hiện chỉ có 8,2% tường Vạn Lý Trường Thành được bảo tồn cẩn thận và 74,1% chỉ được bảo vệ sơ sài. Trong đó có rất nhiều đoạn tường đã đổ sụp hoàn toàn.
Gạch của Vạn Lý Trường Thành thường bị người dân lấy trộm để bán cho du khách.
|
Ông Dong Yaohui, Phó chủ tịch Hiệp hội Vạn Lý Trường Thành cho biết dù được xây bằng gạch và đá, nhưng những bức tường vẫn không thể chống chọi lại với mưa gió suốt hàng trăm năm. Nhiều khu vực ngày càng trở nên lung lay và dễ dàng đổ sụp sau một trận mưa bão.
Ngay cả trong mùa khô, do thiếu sự bảo vệ nên các đoạn tường thành vẫn bị nước suối xói mòn và thực vật xâm lấn, mọc len lỏi trong các vết nứt trên tường.
Thực tế, Vạn Lý Trường Thành bao gồm nhiều cấu trúc khác nhau, được nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc cho xây dựng trải dài khắp miền Bắc nước này và miền Nam khu vực Mông Cổ. Công trình này ước tính có chiều dài khoảng hơn 21.000km. Có đoạn tường được xác nhận đã trên 2.000 năm tuổi. Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m.