Nơi làng Hongjun, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) với bầu không khí miền núi khô lạnh, trong lành, có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đàn ông sống trong cảnh chờ chết vì… khó thở.Người đàn ông họ Hà tàn tạ theo thời gian vì căn bệnh phổi. |
Cuối những năm 1990, những người đàn ông lực điền đồng loạt đầu quân vào làm việc ở các mỏ vàng. Họ là một bộ phận của đội quân công nhân di cư đã tạo nên sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc trong những thập kỉ gần đây. Nhưng nhiều năm sau, họ trở về nhà với những lá phổi tổn thương do hít phải nhiều bụi chứa silic và chờ chết.
Trong một ngôi nhà đất cũ kĩ, người đàn ông họ Hà từng làm thợ đào vàng, sống cùng bố, vợ và con trai. Không như hầu hết những thợ mỏ trong vùng đã sớm qua đời, anh Hà ròng rã vật lộn với căn bệnh khó thở hơn mười năm nay. Chẳng thế mà anh có một quyển sổ ghi lại tên của những người đã chết vì bệnh khó thở. Lật giở từng trang của cuốn “sổ Bắc Đẩu”, anh Hà nói: “Tôi đã chứng kiến họ chết, từng người một. Tôi biết ngày nào đó rồi sẽ đến lượt mình”.
Đây là cái giá mà những người thợ mỏ phải trả vì đã chọn nghề đào vàng ở Trung Quốc, nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới. Ở quốc gia này, căn bệnh phổi do thường xuyên hít phải bụi có silic được xem là loại bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất, ước tính ảnh hưởng đến 6 triệu công nhân làm việc trong các mỏ vàng, than, bạc hoặc các nhà máy cắt đá.
Nhưng điều mà các con số không thể nói lên đến từ cái chết từ từ của những người thợ mỏ: những người đàn ông tàn lụi theo thời gian với những lá phổi ngày càng kiệt quệ. Những thương tổn không thể phục hồi và cách chữa trị duy nhất là ghép phổi. Tất cả những điều này có thể được ngăn ngừa bằng các loại trang phục bảo hộ lao động cùng hệ thống thông gió. Không may thay, theo lời kể của người đàn ông họ Hà, những thứ đó không xuất hiện ở những nơi anh từng làm.
Sau đoạn đường người thợ mỏBệnh phát, những công nhân với đồng lương chết đói không thể tìm thấy chủ khu mỏ để giúp trang trải hóa đơn chữa bệnh. Họ cũng không được điều trị cho tới khi đã quá muộn. Khi chi phí chữa trị tăng lên, phần lớn bệnh nhân chọn cách bỏ cuộc. Số khác chọn cách tự kết liễu đời mình.
Gia đình bốn người của người đàn ông từng làm thợ mỏ. |
10 năm, không ít lần người đàn ông họ Hà nghĩ đến việc bỏ cuộc bằng cách ngâm tay và dây điện vào nước hay uống thuốc trừ sâu. Và lúc còn có thể bước đi, anh cũng từng nhảy xuống một con sông gần nhà. “Nếu chết trong lúc làm việc, cái chết rất nhanh chóng, ít đau đớn. Nhưng nếu mắc phải bệnh này, có cảm giác giống như không thể chết mà cũng chẳng thể sống. Nếu có một loại thuốc có thể làm cho tôi không cảm thấy gì, tôi sẽ uống, mua nó bằng mọi giá”.
Với người đàn ông bị bệnh tật hành hạ, tình yêu của người vợ là liều thuốc giúp anh cầm cự đến ngày hôm nay. Những lúc thấy khỏe trong người, anh vẫn đùa giỡn vợ như những đôi trẻ mới yêu. Khi có thể hát, anh cùng hát với vợ bài ca về tình yêu. Khi người đàn ông nằm xuống giường mệt mỏi với từng hơi thở, người phụ nữ ân cần túc trực hỗ trợ. Anh gọi vợ mình là Tiểu Mễ, cô gọi chồng là Chàng khờ.
Giây phút đùa vui của hai vợ chồng. |
Trong 3 năm, anh Hà, từng là một người đàn ông khỏe mạnh cân nặng 65kg nay chỉ còn khoảng 40kg. Anh đã nhiều lần anh quỵ ngã, đi qua những lần nói lời tạm biệt, những trận ốm nặng nhẹ khác nhau, đi qua cả những mùa đông, mùa cực hình của những bệnh nhân mắc bệnh phổi.
Vì tình trạng sức khỏe của anh Hà mà cả gia đình anh luôn trong tư thế sẵn sàng. Trên gác mái, chiếc quan tài gỗ anh tự làm cho mình nằm bên dưới một tấm ni lon phủ bụi. Trong 5 năm, vợ anh đã chuẩn bị sẵn những đôi giày vải tự may, 5 chiếc áo sơ mi và 3 chiếc quần dài để chồng mặc trong quan tài theo phong tục.
Sau một lần ngã quỵ, người đàn ông họ Hà từng làm thợ mỏ thều thào những lời dặn dò vào tai vợ: mua giấy trắng dày để lót quan tài, đừng tiêu quá nhiều tiền vào các nghi lễ nếu không anh sẽ trở về ám cô, nhớ giặt cái áo khoác giả da mà anh thích để anh mặc lúc nói lời chia tay mãi mãi…
Anh Tiếu (Theo National Geographic)