Người tiêu dùng phấn chấn
Những người bỏ công chờ đợi này không hề thấy mệt mỏi, mà thay vào đó lại vô cùng háo hức với thời điểm cửa hàng, siêu thị mở cửa để họ nhanh chân nhanh tay mua được tivi thông minh, điện thoại di động, đồ chơi, quần áo... rẻ hơn 30 - 50% so với ngày thường. Đơn cử như AP đưa ra là người tiêu dùng Mỹ thường bỏ 500 USD để sở hữu một chiếc tivi 55 inch nhưng trong Thứ sáu đen tối mức giá cho sản phẩm này chỉ là 300 USD.
Cô Amalia Teixeira (52 tuổi) tại Manalapan, bang New Jersey bộc bạch với phóng viên tờ New York Times: “Tôi xếp hàng trước cửa siêu thị Walmart từ 3 giờ 30 phút sáng, nhưng thật thất vọng khi không mua được đồ chơi Hatchimal”. Hatchimal được coi là hiện tượng của năm 2016 và trong ngày thứ Sáu đen tối chỉ có giá từ 60 USD trong khi đó vào những ngày khác loại đồ chơi này dao động trong khoảng 199 - 499 USD. Còn anh Martin McDuffie (34 tuổi) đến siêu thị Walmart tại Columbia, bang South Carolina chỉ vì một mục tiêu duy nhất, đó là chiếc tivi 60 inch có giá 398 USD.
Khách hàng mua sắm trong ngày thứ Sáu đen tối tại Dartmouth. |
Thứ Sáu đen tối năm nay tại Mỹ được đánh giá “nhẹ nhàng” hơn so với 2015 về mức độ chen lấn, xô đẩy, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sự “thăng tiến” của thị trường bán lẻ trực tuyến và cái tên được nhắc đến nhiều nhất là “ông lớn” Amazon. Ngày 23/11, kênh CNBC dẫn lời nhà phân tích Paul Lejuez tại ngân hàng quốc tế Citi nhận định các doanh nghiệp Mỹ đang chuyển dần sang bán hàng trực tuyến trong những dịp giao thông lên cao điểm.
Trong khi đó, châu Âu tuy không tổ chức Lễ tạ ơn như Mỹ nhưng thứ Sáu đen tối vẫn du nhập vào “Lục địa già” và trở thành “ngày hội mua sắm”. Tại Anh, phong cách cũng được thực hiện tương tự Mỹ với các cửa hàng, siêu thị “mạnh tay” giảm giá, những dòng người xếp hàng dài để mua sắm... Theo trang CRR/Vouchercodes.co.uk, người Anh dự kiến sẽ chi 1,69 tỉ bảng cho thứ Sáu đen tối. Chuỗi siêu thị lớn nhất của Anh là Tesco PLC thậm chí còn kéo dài thời gian khuyến mãi dựa trên sự kiện thứ Sáu đen tối thành 11 ngày.
Hiện tượng mua sắm thứ Sáu đen tối cũng đã “đặt chân” đến Pháp, tuy nhiên các nhà bán lẻ tại “đất nước hình lục lăng” lại đặt tên khác cho sự kiện này là “Những ngày cuối tuần mất trí”, “Cuối tuần vĩ đại”. Tại Tây Ban Nha, nhiều cửa hiệu cũng chủ động đưa ra mức giảm 50% cho một số mặt hàng trong ngày thứ Sáu đen tối.
Nhà bán lẻ chào đón
Theo dữ liệu tờ Wall Street Journal thu được, các nhà bán lẻ Mỹ đã nhanh chóng tung ra quảng cáo về chương trình khuyến mại “khủng” của họ từ khá sớm. Những nhà bán lẻ “chu đáo gửi gắm” quảng cáo tới người tiêu dùng qua email, mạng xã hội và các trang web. Theo đó, số email quảng cáo được gửi tới người tiêu dùng trong năm nay đã tăng 15% so với khoảng thời gian từ 1/10 đến 19/11/2015.
Nhiều cửa hàng tại Mỹ đã đưa mức giảm giá tương tự năm 2015. Hàng may mặc và đồ điện tử là “thỏi nam châm” thu hút người mua trong thứ Sáu đen tối. Một số mặt hàng khác được săn lùng nhiệt tình là điện thoại di động, trò chơi điện tử, Hatchimal...
Thứ Sáu đen tối được coi là “ngày vàng” mua sắm ở Mỹ nhưng chỉ đứng ở vị trí thứ hai, “ông vua” thực sự là thứ Bảy trước Giáng sinh (năm 2016 này sẽ rơi vào 17/12), đây được dự báo là ngày mua sắm bận rộn nhất năm tại Mỹ.
Theo khảo sát người tiêu dùng của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), khoảng 137,4 triệu người dân nước này dự kiến đến các cửa hàng, siêu thị và mua hàng trực tuyến trong các ngày cuối tuần sau Lễ tạ ơn. Điều đặc biệt gần 3/4 trong số những người được hỏi cho biết họ sẽ lựa chọn ngày thứ Sáu đen tối để mua sắm. Theo NRF, thị trường bán lẻ của Mỹ dự kiến tăng trưởng 3,6%, đạt mức 655,8 tỉ USD trong tháng 11 và 12 năm nay.