Tấm lòng của nhà điêu khắc Đức với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, chúng tôi đã có dịp tới thăm, trò chuyện với nghệ sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức Gerhard Rommel tại nhà riêng của ông và được nghe ông tâm sự về nghệ thuật điêu khắc, về tình cảm với nhân dân Việt Nam và Bác Hồ.

Nhà điêu khắc Gerhard Rommel bên những tác phẩm của ông.


Đến ngôi nhà nhỏ xinh xắn của ông Rommel tại vùng quê yên bình ở bang Brandenburg (cách thủ đô Béclin khoảng 90 km), đập vào mắt chúng tôi trước tiên là vô số những tác phẩm điêu khắc được bày la liệt trên giá, trên tường, trong nhà và cả ngoài vườn. Trong những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về chất liệu, có những tác phẩm trông còn mới, nhưng cũng có không ít tác phẩm đã nhuốm màu thời gian. Không chỉ được trưng bày ở nhà riêng, trong hàng chục năm qua, nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của ông Rommel đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng, công viên, vườn hoa... ở thủ đô Béclin và các thành phố khác của nước Đức.

Thấy chúng tôi say sưa ngắm các tác phẩm về Việt Nam và bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trang trọng trên giá, Rommel cho biết, với lòng kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật về Việt Nam và Bác Hồ. Đó là những bức tranh, tấm phù điêu ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, lên án sự tàn ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, những bức họa mô tả tình cảm của người dân miền Bắc đối với nhân dân miền Nam Việt Nam... Các tác phẩm có sức cuốn hút kỳ lạ mà chúng tôi chắc rằng chúng đã đóng góp giá trị tinh thần không nhỏ, làm lay động tâm can, đánh thức lương tri của người dân Đức và nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam vào những năm 1960, 1970.

Khi chúng tôi hỏi về sự ra đời của bức phù điêu chân dung Bác Hồ, Rommel cho biết: ông sáng tác tác phẩm đó vào năm 1968 nhân dịp sinh nhật Bác để thể hiện tình cảm của ông cũng như của nhân dân Đức đối với một người Việt Nam yêu nước, một vị lãnh tụ được nhiều người kính trọng và ngưỡng mộ. Ông tâm sự dù chưa một lần được gặp Bác Hồ và đến thăm Việt Nam, song những tình cảm với Việt Nam và với Bác Hồ vẫn luôn đầy ắp trong ông. Ông cũng ước muốn được một lần đến thăm Việt Nam và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù tuổi tác đã cao. Ông Rommel tâm sự, ông đã sáng tác phù điêu, tượng chân dung một số lãnh tụ, cũng như những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, nhưng chỉ riêng bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đúc nguyên mẫu chữ ký “Ho Chi Minh” của Người. Ông nói, khi đúc phù điêu Hồ Chí Minh ông có cảm xúc sâu sắc và đã gửi cả tâm hồn của mình vào tác phẩm để chân dung và chữ ký của Người chính xác và sinh động.

Mới đây, nhân dịp nhà báo Hellmut Kapfenberger, tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” sang Việt Nam dự buổi giới thiệu sách, ông Rommel đã gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức phù điêu chân dung Bác Hồ tương tự với tâm niệm "đưa Bác về với nhân dân của mình". Bảo tàng Hồ Chí Minh đã long trọng đón nhận bức phù điêu này và đặt vào nơi trang trọng tại bảo tàng để người dân Việt Nam và bạn bè trên thế giới có dịp chiêm ngưỡng.

Trong bức thư gửi kèm theo bức phù điêu, Rommel viết: “Với tất cả sự kính trọng và lòng cảm phục nhân dân Việt Nam. Tác phẩm của tôi dành cho Hồ Chí Minh, một lãnh tụ của dân tộc Việt Nam và của tất cả những người yêu chuộng hòa bình”.

Những năm tháng công tác tại nước Đức, những người cầm bút chúng tôi đặc biệt cảm động trước tấm lòng và tình cảm vẹn nguyên, thủy chung, trong sáng của những người bạn Đức đối với Bác Hồ và nhân dân Việt Nam, dù năm tháng trôi đi với biết bao biến đổi của thời cuộc và xã hội. Nghệ sỹ, nhà điêu khắc người Đức Gerhard Rommel là một người bạn như thế.

Thanh Hải (P/v TTXVN tại Đức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN