Cùng với sự tăng lên về đội ngũ đàn ông trai tráng nông thôn Trung Quốc đổ ra thành thị kiếm việc làm, số lượng phụ nữ ở lại nông thôn nước này cũng đang ngày một leo thang. Thiếu vắng “cột trụ gia đình”, những người phụ nữ lưu lại nông thôn không chỉ phải căng ra lao động sản xuất, mà còn phải đối mặt với rủi ro về an toàn cá nhân cũng như khả năng rơi vào tình trạng trống rỗng về tinh thần.
Theo thống kê, hiện nay ở Trung Quốc có tổng cộng 87 triệu người lưu lại nông thôn, trong đó 47 triệu là phụ nữ, chiếm 54,2%. Những người phụ nữ này thường xuyên cảm thấy lo lắng cho người đàn ông của họ đang bôn ba làm việc nơi xa quê. Mỗi lần nghe đài hay xem ti vi biết có một vụ tai nạn nào đó vừa xảy ra, dù chỉ là va chạm xe cộ nhỏ, tim họ lại đập thình thịch và cầu mong trong số nạn nhân không có người thân của mình. Cô đơn trong căn nhà vắng lặng, an toàn cá nhân đối với họ đã trở thành một vấn đề lớn. Nhiều người do kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ quyền lợi bản thân thấp và chịu ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống, nên ngay cả khi bị làm hại, họ cũng lặng lẽ chịu đựng một mình, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Tờ Văn hối của Hồng Công số ra ngày 5/9 vừa qua đã dẫn trường hợp của một phụ nữ giấu tên ở thôn Thụ Khánh, thị trấn Hạnh Sơn, thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang cho biết cô chút nữa đã bị hại. Đêm đó, vào khoảng 12 giờ, cô phát hiện một người đàn ông khả nghi cạy cửa nhà mình, nhưng không được đành bỏ đi. Bủn rủn cả người, cô đã phải gọi điện cho một người họ hàng sống gần đó đến ở cùng, nhưng nỗi sợ hãi thì phải sau một thời gian dài mới nguôi ngoai. Cô cũng thẳng thắn nói rằng đối với người nông thôn, quan hệ nam nữ đặc biệt nhạy cảm, trong những trường hợp tương tự như xảy ra với cô, thông thường người phụ nữ sẽ không tâm sự cùng ai và càng không tới cơ quan chức năng trình báo.
Ngoài nguy cơ bị xâm hại, do không có chồng ở bên cạnh, nên những người phụ nữ lưu lại nông thôn Trung Quốc còn phải chịu cảnh trống rỗng về tinh thần. Chị Lưu Thục Văn ở thôn Dân Thắng, xã Lâm Giang, thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang cho biết chị cưới chồng từ năm 20 tuổi từ đó tới nay đã hơn 20 năm và năm nào chồng chị cũng đến Cáp Nhĩ Tân làm phụ hồ kiếm sống. Khi con cái còn nhỏ, chị có chúng làm “bầu bạn”. Nhưng khi con cái trưởng thành, tìm về thành phố kiếm việc làm hoặc học hành, chị không còn ai để nói chuyện. Nhằm giúp căn nhà lạnh bóng đàn ông “náo nhiệt” một chút, chị liên tục mua chó, mèo về nuôi. Dẫu vậy khi màn đêm buông xuống, lỡ đi đâu đó nhìn thấy nhà ai quây quần bên mâm cơm, về nhà cổ họng chị vẫn đắng ngắt, cơm nuốt không trôi.
Một vấn đề khác, theo nhà nghiên cứu Triệu Thụy Chính thuộc Viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang, là những người phụ nữ lưu lại nông thôn Trung Quốc còn phải chịu sự ức chế tình dục do xa chồng lâu ngày, nhu cầu tình dục cơ bản không được đáp ứng. Đây cũng là vấn đề xã hội phổ biến.
Ông Triệu Đức Chính cho rằng mấy năm lại đây, vấn đề trẻ em lưu lại nông thôn đã nhận được sự quan tâm chú ý rộng rãi của xã hội, nhưng vấn đề phụ nữ lưu lại nông thôn chưa được coi trọng đúng mức. Đồng thời với việc ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân đến từ nông thôn đối với việc xây dựng và phát triển thành thị, xã hội cũng cần phải quan tâm chú ý đến những người phụ nữ của họ còn lưu lại nơi quê nhà. Các tổ chức cơ sở ở nông thôn phải có những chính sách phù hợp trợ giúp người phụ nữ lưu lại nông thôn trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái… Một việc khác cũng rất quan trọng là cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển văn minh tinh thần ở nông thôn, làm phong phú đời sống tinh thần của người phụ nữ lưu lại nông thôn cũng như cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi của họ.