Phụ nữ đạo Hindu ở Bănglađét đấu tranh đòi quyền ly hôn

Tarulata Rani (ảnh) không được phép thừa hưởng bất cứ thứ gì từ gia đình của cô, không được quyền ly hôn và thậm chí cũng không được phép đòi tiền chu cấp từ người chồng đã bỏ mặc cô - tất cả chỉ bởi vì Rani, 22 tuổi, kết hôn cách đây hai năm, là người Bănglađét theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo).


 

Không giống những người phụ nữ Bănglađét theo đạo Hồi hoặc đạo Hindu ở các quốc gia láng giềng Ấn Độ và Nêpan, phụ nữ theo đạo Hindu tại Bănglađét không thể ly hôn vì không có luật định cho vấn đề này và vì cuộc hôn nhân của họ không được pháp luật công nhận trên giấy tờ. “Phải chăng việc sinh ra là một phụ nữ Bănglađét theo đạo Hindu là tội lỗi? Tôi không có quyền thừa hưởng gia sản, không có quyền ly dị chồng và tái hôn ngay cả khi người chồng bỏ tôi để đi theo một người phụ nữ khác và đánh đập tôi mỗi ngày”, Rani tâm sự.


Hồi tháng 5/2012, Thủ tướng Bănglađét Sheikh Hasina đã thông qua một điều luật mới ban hành quy định về đăng ký kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ như Rani. Theo Bộ trưởng Pháp luật Bănglađét Shafique Ahmed, điều luật mới sẽ hạn chế tình trạng đa thê (đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng nam giới theo đạo Hindu ở nước này) và đảm bảo quyền được chu cấp cho những người phụ nữ bị chồng phản bội.


Luật này, dự kiến sẽ nhanh chóng được quốc hội thông qua, đã được các nhóm bảo vệ nhân quyền và đông đảo phụ nữ theo đạo Hindu hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, đây chỉ là một hành động “mang tính hình thức” và không đủ mạnh để làm thay đổi quan điểm cho rằng không cần thiết phải có sự can thiệp chính trị vào truyền thống văn hóa của những người thuộc phe đối lập.


Trong khi đó, ông Hiren Biswas - Chủ tịch tổ chức Samaj Sangskar Parishad ủng hộ những quy định của đạo Hindu - tuyên bố phản đối bất kỳ hình thức cải cách nào chống lại các truyền thống của đạo Hindu. Theo ông Biswas, ly hôn có thể đe dọa tới nền tảng cơ bản của các các gia đình theo đạo Hindu.


Hệ thống luật pháp của Bănglađét không đề cập đến những vấn đề liên quan tới thừa kế, kết hôn và ly hôn. Những người theo đạo Hồi tại đất nước này tuân thủ luật Sharia và những người theo đạo Ấn tuân thủ các quy định dựa trên hủ tục cổ xưa. Theo dự luật nói trên, những người theo đạo Ấn (chiếm 10% trong tổng số 152 triệu dân Bănglađét) lần đầu tiên sẽ có quyền được đăng ký kết hôn tại hội đồng địa phương hoặc tòa án.


Nữ luật sư Nina Goswami, theo đạo Ấn, người đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ Ain O Salish Kendra, nhận định: “Vào thời điểm hiện tại, khi một người đàn ông theo đạo Ấn chối bỏ cuộc hôn nhân của mình, người vợ không thể kiện anh ta đòi tiền chu cấp sau ly hôn do thiếu các giấy tờ chứng nhận đã đăng ký kết hôn giữa hai người. Hàng chục nghìn đàn ông theo đạo Ấn hiện đa thê bởi biết rằng họ không thể bị khởi tố”. Theo bà Goswami, tình trạng thiếu các quyền cơ bản đã đẩy nhiều phụ nữ theo đạo Ấn ở Bănglađét vào “những công việc không mong muốn và cảnh đói nghèo” sau khi bị chồng ruồng bỏ.


Cho dù điều luật mới có phát huy tác dụng hay không thì những phụ nữ theo đạo Hindu ở Bănglađét vẫn sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh lâu dài ngay trong chính cộng đồng của họ nhằm giành được những quyền lợi cơ bản cho bản thân - nam luật sư Subrata Chowdhury, người theo đạo Hindu có tư tưởng tiến bộ, nhận định.


Hồng Hạnh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN