Cột mốc ranh giới Âu-Á trên núi Beriezovoi.
|
Con đường kẹp giữa cánh rừng taiga tuyết phủ trắng luôn là nét đẹp của vùng Urals nước Nga. Tuy nhiên điều đặc biệt hơn của xứ sở này là rặng núi dài hơn 3000km từ Bắc xuống Nam là ranh giới tự nhiên phân cách giữa châu Âu và châu Á. Chính vì vậy, tại Urals, người ta dựng lên rất nhiều cột mốc ghi nhận ranh giới giữa 2 châu lục.
Các cột mốc này khác nhau về diện mạo, được xây dựng từ thế kỷ 19 và kéo dài tới tận ngày nay. Cột mốc kỷ niệm ranh giới giữa châu Âu và châu Á đầu tiên chúng tôi đến nằm ở km số 17 trên xa lộ Novo-Moskovskyi. Cột mốc này được dựng lên tháng 8/2004, là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Konstantin Gruenberg. Nó là bệ đá cẩm thạch lớn bên trên đặt một biểu tượng kim loại. Tại đây có chôn các viên đá lấy từ điểm cực xa nhất của châu Âu và châu Á - Mũi Roca (cực Tây Bồ Đào Nha) và mũi Dezhnev (điểm cực Đông lục địa châu Á). Biểu tượng kim loại đặt trên bệ đá là sự cách điệu của 2 chữ "E" (châu Âu) và "A" (châu Á). Chính quyền thành phố Yekaterinburg có kế hoạch phóng to biểu tượng này thành một tòa tháp cao 180m giống như tháp Eiffel.
Ngoài các cột mốc đánh dấu khoảng cách từ ranh giới này tới thủ đô các nước, rất nhiều du khách đến đây đã để lại chỉ dấu kỷ niệm, như cột mốc của đoàn đại biểu Nhật Bản, trên ghi dòng chữ "Hòa bình cho nhân loại toàn thế giới".
Cột mốc ranh giới Á-Âu đã trở thành nơi truyền thống để các đôi trẻ ghé qua trong ngày cưới, họ để lại những dải băng nhiều màu đánh dấu trên các thân cây gần đó. Phóng viên TTXVN cũng tranh thủ chụp một bức ảnh lưu niệm với Tổng lãnh sự Việt Nam tại Yekaterinburg, Vũ Huy Mừng, người khởi xướng chuyến đi này.
Phóng viên chụp ảnh cùng Tổng lãnh sự Việt Nam tại Yekaterinburg, Vũ Huy Mừng tại cột mốc km 17, xa lộ Novo-Moskovskyi. |
Điểm thứ 2 chúng tôi tới là cột mốc ranh giới Âu-Á đầu tiên, được xây dựng mùa xuân năm 1837 trên núi Beriezovoi. Tháng 5/1837, Sa hoàng tương lai Alexander II đã tới thăm cột mốc này khi đi du lịch cùng cố vấn riêng, nhà thơ V. A. Zhukovsky.
Cột mốc hiện nay, được xây dựng lại năm 2008 có thiết kế giống như Cột Alexander hùng vĩ nằm ở Quảng trường Cung điện tại trung tâm thành phố St Petersburg. Cây cột này cao 30m, nặng 500 tấn, làm bằng đá cẩm thạch màu đỏ, trên đỉnh gắn con đại bàng 2 đầu bằng đồng là quốc huy nước Nga. Tổng lãnh sự Vũ Huy Mừng cho biết ông và chính quyền tỉnh Sverdlovsk đã trồng một cây sồi con lưu niệm tại đây song trong quang cảnh tuyết rơi trắng xóa, chính ông cũng không thể tìm ra cây sồi mình trồng.
Cột mốc này có tọa độ 56° 52' 13" vĩ độ Bắc, và 60° 02' 52" kinh độ Đông và cũng là điểm đến truyền thống của các cặp thanh niên mới cưới.
Có thể nói, nếu như tại Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, bạn có thể đứng trên lằn ranh giữa lục địa châu Âu và châu Á trong tiết trời ấm ấp, thì có lẽ chỉ duy nhất ở vùng Urals. bạn mới có thể thưởng thức ranh giới giữa châu Âu và châu Á trong cái giá lạnh và tuyết rơi của mùa Đông. Tuy nhiên, có thể thấy, cảnh đẹp mùa đông hùng vĩ của nước Nga cũng vô cùng thú vị.