Nằm bên rìa Vòng Bắc Cực, ngôi làng kỳ lạ nhất nước Nga này thường được gọi là sa mạc phương Bắc của thế giới với những bãi cát trải dài hàng chục cây số. Không chỉ phải chống chọi với cái lạnh, dân làng còn liên tục phải chiến đấu với cát. Những ngôi nhà nơi đây thường xuyên bị cát vùi đến tận mái. Nếu đóng cửa nhà vào ban đêm, sáng hôm sau người dân nơi đây sẽ bàng hoàng khi nhận ra mình gần như bị “chôn sống” trong nấm mồ cát.
Khó có thể tin được rằng chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ, ngôi làng được thiên nhiên ưu ái với lượng cá trù phú và thảm thực vật xanh tươi này đã biến thành một sa mạc khắc nghiệt. Từ những năm 1930, dân chài bắt đầu định cư dọc bờ Biển Trắng. Trong vòng hai thập kỷ, khu vực đã phát triển thành một cảng cá nhộn nhịp với khoảng 1.500 cư dân và gần 70 tàu cá. Tuy nhiên, không lâu sau, do tình trạng đánh bắt không kiểm soát, ngư trường sầm uất này đã nhanh chóng sụp đổ. Rất nhiều tàu cá ven bờ đã ngừng hoạt động và nhiều gia đình dần dần chuyển đi. Hiện tại, chỉ còn hơn 300 người sinh sống tại ngôi làng Shoyna, chủ yếu dựa vào khoản lương hưu và trợ cấp thất nghiệp, còn một số sinh sống bằng nghề săn ngỗng.
Sau mỗi đêm những ngôi nhà trong làng Shoyna lại ngập trong biển cát. |
Vào đầu những năm 1990, hiện tượng cát vùi bắt đầu xuất hiện. Dưới tác động của gió tây, các cồn cát liên tục di chuyển theo dọc bờ biển, bao vây lấy các ngôi nhà và hoàn toàn có thể nhấn chìm cả ngôi làng dưới lớp cát dày cộm chỉ trong một đêm. Lý giải về hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do tình trạng đánh bắt quá mức đã phá hủy lớp thực vật dưới đáy biển, ảnh hưởng đến lớp băng vĩnh cửu, làm lượng cát ùn ùn kéo về phía bờ. Bên cạnh đó, do nạn phá rừng hoành hành, nên không có gì để tạo thành bức tường vững vàng chắn cát, khiến cả ngôi làng trơ trọi hứng trọn cơn bão cát hàng đêm.
Theo trang English Russia, làng Shoyna chỉ có duy nhất một chiếc xe ủi đất để đào tìm ngôi nhà bị vùi lấp ra khỏi đồi cát. Ông Sasha, chủ chiếc xe ủi, cho biết một mình ông không thể giúp đỡ tất cả mọi người. Phải mất 10 tiếng mới tìm ra toàn bộ ngôi nhà mà chi phí cho một giờ làm việc mất đến tận 70 USD. Rất ít gia đình có đủ khả năng chi trả trong khi chính phủ Nga chỉ hỗ trợ 40 giờ mỗi tháng, ít hơn rất nhiều so với mức cần thiết. Trong một ngày, không có đủ thời gian để thỏa mãn nhu cầu mọi người.
Làng Shoyna ngày nay gần như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Không có đường bộ hay đường sắt, phương tiện duy nhất kết nối ngôi làng với các khu vực khác là bằng đường biển hoặc máy bay. Bất chấp cuộc sống khó khăn liên tục phải chiến đấu với cát, người dân địa phương vẫn rất tự hào về lối định cư đặc trưng của họ và cực kỳ hiếu khách. Mặc dù số lượng cá hiện giờ không nhiều, họ vẫn chào đón khách nồng nhiệt và chiêu đãi những món hải sản truyền thống.
Hiện tượng cát vùi kỳ lạ này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu. Trong những năm gần đây, một kiến trúc sư tên là Jan Gunnar Skjeldsoy đã đến làng Shoyna và tìm cách thiết kế những ngôi nhà có thể chịu được gió cát. Hy vọng, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Shoyana sẽ sớm thoát khỏi tình cảnh biệt lập và nỗi lo sinh tử thường trực mỗi khi đêm xuống.