Bộ Tài chính Mỹ đã mở một trận tuyến mới trong cuộc chiến chống trốn thuế ở nước ngoài. Những người Mỹ có tài khoản hợp pháp trong các ngân hàng ở nước ngoài và người nước ngoài đang làm việc tại Mỹ đã bắt đầu nhận được thư từ các ngân hàng nơi họ mở tài khoản ở Paris, Tokyo, Johannesburg và những nơi khác, thông báo rằng thông tin tài khoản của họ sẽ được cung cấp cho cơ quan thuế vụ Mỹ. Đây là bước đi mạnh nhất trong nỗ lực kéo dài nhiều năm của Bộ Tài chính Mỹ vốn đang phải tìm mọi cách để lấp lỗ hổng ngân sách, để phát hiện những khoản thu nhập không được khai báo phải chịu thuế theo luật pháp Mỹ. Với một số người, Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài (FATCA) là một điều khó chấp nhận, bởi ngân hàng nước ngoài mà họ mở tài khoản đang tiết lộ thông tin mật của họ cho Chính phủ Mỹ. Theo các thỏa thuận mới ký với Mỹ, khoảng 100.000 tổ chức tài chính nước ngoài ở hơn 100 nước phải báo cáo cho Bộ Tài chính Mỹ về tài khoản của bất kỳ người Mỹ nào, hoặc là công dân Mỹ, hoặc người nhập cư có "thẻ xanh" hay có giấy phép lao động tại Mỹ.
Trước đây, những người Mỹ có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài buộc phải khai báo tài khoản cho Cơ quan thuế vụ (IRS) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nếu họ gửi các khoản thu nhập phải chịu thuế tại Mỹ vào các tài khoản này. Tuy nhiên, FATCA hiện đặt trách nhiệm này lên các tổ chức tài chính nước ngoài. Nếu các tổ chức này không thực hiện yêu cầu đó, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo sẽ đánh thuế 30% lên lợi nhuận của ngân hàng đó tại Mỹ. Theo các ước tính chính thức, FATCA sẽ phanh phui số tài sản và thu nhập bị giấu đủ để bổ sung thêm 8 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Mỹ trong 10 năm.
Richard Harvey, giáo sư về luật thuế ở Đại học Villanova, người đã tham gia soạn thảo các quy định trong FATCA, tính toán rằng số tiền thuế thu được có thể nhiều hơn, khoảng 20 - 30 tỷ USD. Việc những người Mỹ giàu có gửi tiền ở nước ngoài để trốn thuế đã tồn tại từ lâu và giáo sư Harvey cho rằng FATCA ra đời một phần bởi lo ngại rằng xu hướng toàn cầu hóa về tài chính sẽ tạo cơ hội cho không chỉ là những người giàu mà cả những người thuộc tầng lớp trung lưu chuyển thu nhập ra nước ngoài.
Nhưng với nhiệm vụ nặng nề là thu thập số liệu và cung cấp chúng cho cơ quan thuế vụ Mỹ, một số ngân hàng nước ngoài đang băn khoăn liệu có nên cho phép mở tài khoản đối với các khách hàng có thể có nghĩa vụ đóng thuế tại Mỹ hay không. Hồi tháng 9, bản tin La Revue Suisse về người Thụy Sỹ ở nước ngoài đưa tin một số ngân hàng đã dừng việc mở tài khoản của một số khách hàng do các quy định khắt khe hơn.
Trong khi những người nước ngoài đang sống tại Mỹ không lấy gì làm dễ chịu khi thông tin tài khoản ở nước ngoài của họ được cung cấp cho IRS, một số công dân Mỹ cũng bị đối xử theo cách tương tự đang muốn từ bỏ quyền công dân của họ. Do bị IRS nắm thông tin tài khoản để có thể thu thuế, năm ngoái, khoảng 3.000 người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và 1.577 người cũng làm vậy trong nửa đầu năm nay. Nhưng ngay cả việc này cũng trở nên tốn kém hơn, khi mức phí từ bỏ quốc tịch theo quy định của Chính phủ Mỹ đã được nâng từ 450 USD lên 2.350 USD.
Trong khi đó, FATCA đang gây ra sự giận dữ nhằm vào chính phủ những nước chấp nhận các quy định về báo cáo thông tin tài khoản của Mỹ. Tại Canada, nơi nhiều người mang hai quốc tịch Mỹ - Canada, Liên minh bảo vệ quyền tối cao của người Canada đã cáo buộc Chính phủ đang vi phạm quyền của người dân bởi việc ký hiệp định về FATCA với Chính phủ Mỹ. Chuyên gia Mitchell ở Cato Institute bất bình trước thực tế là các ngân hàng Mỹ không được phép cung cấp thông tin cho các chính phủ nước ngoài về các tài khoản tại Mỹ của kiều bào nước họ, có nghĩa ở đây đang có chuyện có đi mà không có lại". LM