Mưu sinh bằng nghề... đi nhờ xe

Luật đi chung xe ở Inđônêxia ra đời nhằm giảm ách tắc giao thông. Theo đó, mỗi ô tô bắt buộc phải chở ít nhất ba người trên một số trục đường chính. Thế nhưng thay vì giảm ách tắc giao thông, luật này đã “đẻ” ra một số lượng lớn những người bắt xe chuyên nghiệp. Họ kiếm tiền bằng cách giúp các lái xe ô tô đối phó với luật.

Hàng ngày, dọc các trục đường chính ở Inđônêxia vào giờ cao điểm, người ta có thể nhìn thấy hàng trăm người xếp hàng để chờ tài xế ô tô nào đi một mình dừng lại đón. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em có đủ cả. Không giống những người bắt xe điển hình khác trên thế giới, người bắt xe ở Inđônêxia không giơ ngón tay cái ra. Thay vào đó, họ giơ một ngón tay để báo hiệu họ bắt xe một mình, hai ngón tay tức là sẽ có hai người đi cùng, thông thường là một bà mẹ và một đứa con hoặc một đứa bé địu trên lưng. Mỗi khi có ô tô dừng lại đón, người bắt xe được trả 1 USD.


 

Người dân mưu sinh bằng nghề đi nhờ xe vẫy ô tô dọc đường phố ở thủ đô Giacácta. Ảnh: Internet

 

Jimmy, một thanh niên 22 tuổi, đã biến nghề bắt xe thành một nghệ thuật. Trong một đám tạp nham những người làm nghề bắt xe đứng lố nhố chờ được đón, Jimmy trông nổi bật hẳn với cặp kính râm gọng bạc. Anh mặc chiếc áo sơ mi kẻ ca rô màu xanh da trời cắm thùng gọn gàng trong chiếc quần màu đen. Jimmy nói: “Tài xế xe BMW hay Mercedes thường chọn tôi vì tôi có thể đóng vai bạn bè hay họ hàng của ông chủ họ. Các lái xe không muốn bị cảnh sát bắt vì phạm luật nên những người bắt xe như chúng tôi có thể giúp họ giảm nguy cơ bị bắt”.


Jimmy cho biết mỗi lần đi nhờ xe, anh thường đòi thêm 54 xu nữa và các tài xế cũng đồng ý. Jimmy thường bắt khoảng 5 chuyến xe mỗi ngày và bỏ túi khoảng 7,5 USD - một khoản tiền kha khá so với mức thu nhập tại Inđônêxia, nơi khoảng 1/2 dân số có thu nhập trung bình chưa đầy 2 USD/ngày.


Nhưng không phải ai cũng may mắn như Jimmy. Nhiều người bắt xe là phụ nữ thường bị quấy rối trên xe. Nhiều người bị cảnh sát bắt giam. Theo luật, họ có thể phải ngồi tù tới 12 tháng.


Chị Nuraini, 39 tuổi, đã làm nghề bắt xe suốt 3 năm qua để kiếm thêm tiền bù vào thu nhập ít ỏi của người chồng làm xe ôm. Chị kể: “Có lần khi đang mang thai, tôi bắt phải một chiếc xe mà tài xế rủ tôi 'vui vẻ'. Tôi thấy rất không thoải mái và đã nhanh chóng ra khỏi xe”. Chị Nuraini thường dậy từ sáng sớm để đi một quãng đường xa từ vùng ngoại ô tới trung tâm thành phố vào đúng giờ cao điểm để bắt xe. Sau đó chị lại về nhà nấu cơm cho 4 đứa con và quay lại thành phố lúc giờ tan tầm buổi chiều. Chị tâm sự: “Thật là mệt mỏi. Thời tiết lúc nắng gắt, khi mưa bão. Có ngày tôi chẳng kiếm được gì dù chờ bắt xe hàng giờ đồng hồ”.


Theo hãng tin AFP, những ô tô đón người bắt xe có thể bị phạt tới hơn 100 USD hay bị bắt giam vài tuần. Cậu bé 16 tuổi Praspardi Putra Wibisono bị bắt năm ngoái và phải ngồi tù 2 tháng. Cậu nói: “Tôi không có gia đình. Tôi chưa bao giờ đi học. Nếu không làm nghề này tôi biết kiếm sống bằng gì?”. Trong khi đó, chị Herlina, 36 tuổi đã bị bắt hai lần và bị giam 6 tuần trong năm 2006. Chị kể lại: “Thời gian trong tù thật khủng khiếp. 18 người chen chúc trong một phòng giam chật chội đầy muỗi. Tại sao tôi vẫn phải làm cái nghề mạo hiểm này? Đơn giản là tôi cần phải sống”.


Trong khi đó, hàng tuần, hàng triệu người dân Inđônêxia từ ngoại ô vào thành phố tìm việc làm. Đường phố thủ đô Giacácta hiện có hơn 8 triệu ô tô và mỗi ngày có thêm ít nhất 1.000 chiếc ô tô mới “vi vu” trên phố. Đây là cơ hội cho những người bắt xe chuyên nghiệp biến dịch vụ của họ thành một nghề kiếm sống.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN