Mauritania: Chưa dứt xiềng xích nô lệ

Khi đứng trước hai lựa chọn: làm nô lệ hay thoát khỏi cảnh nô lệ để ra hầu tòa, hành động chọn lựa nào mới thực sự là khôn ngoan? Trường hợp thứ hai là câu chuyện diễn ra tại Mauritania, đất nước có số vụ việc về về nô lệ hiện đại cao nhất thế giới.

Năm 1981, Mauritania hủy bỏ chế độ nô lệ.


Nằm ở Tây Phi trên vùng rìa của sa mạc Sahara, Mauritania là nơi mà theo thống kê có từ 4 – 20% dân số sống trong cảnh nô lệ. Mauritania cũng là quốc gia cuối cùng trên thế giới hủy bỏ chế độ nô lệ vào năm 1981. Đến năm 2007, Mauritania quy định việc sở hữu con người là phạm pháp.

Mặc dù từng có chuyến công tác tới Mauritania để làm một bộ phim tài liệu về chế độ nô lệ hiện đại vào năm 2011, và được chứng kiến tận mắt những nỗi kinh hoàng của nạn nhân sống dưới sự bóc lột của chủ nô, nhưng thông tin mới nhất về tình trạng nô lệ tại quốc gia này vẫn khiến nhà báo John D. Sutter không khỏi kinh ngạc.

Theo các nhà hoạt động đại diện cho một cô gái 15 tuổi có tên Mbeirika Mint M’bareck, cô gái này đã được giải thoát khỏi cảnh sống nô lệ, chỉ để sau đó bị gán cho tội danh quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Theo quan điểm của một chuyên gia, tội danh này có thể dẫn đến bản án bị ném đá đến chết.

Các nhà hoạt động trên đã lên kế hoạch gửi một bức thư kêu cứu gửi đến Bộ Tư pháp của Mauritania. Trong thư, họ bày tỏ sự bàng hoàng và hoảng hốt khi các nhà chức trách đưa ra lời buộc tội ngoại tình, dù có những bằng chứng rõ ràng cho thấy cô gái trẻ là nạn nhân của hành vi chiếm hữu nô lệ cũng như bị cưỡng hiếp.

Tại phiên tòa, cái thai của bị cáo, một cựu nô lệ 15 tuổi, đã lộ rõ. Cha của đứa trẻ vẫn chưa được xác định. Trong khi đó, kẻ bắt giữ cô chỉ bị buộc tội “bóc lội trẻ em” mà không kèm theo bản án đền bù nào về mặt tài chính.

Đó không chỉ là một chuyện đáng sợ với một cô gái trẻ, người lí ra phải được trắng án và vụ án phải được tiếp tục điều tra, mà còn là một câu chuyện đáng sợ với những người phụ nữ đang sống trong gông xiềng nô lệ ở Mauritania.

Xét cho cùng, theo điều phối viên của chương trình chống chế độ nô lệ quốc tế của châu Phi, Sarah Mathewson, thông tin về vụ việc không khác nào một lời răn đe với những người muốn thoát khỏi cuộc sống đày đọa trên. Theo Mathewson, thông điệp của vụ việc là: Nếu định rời bỏ chủ nhân với con cái và cố tìm kiếm công lý, không những kẻ bỏ trốn sẽ không được hỗ trợ và bảo vệ mà còn bị gán cho tội danh quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.

Mathewson cũng giải thích, phần lớn những người phụ nữ bị chiếm hữu làm nô lệ đều có con ngoài giá thú, một phần bởi vì họ thường xuyên bị chủ nô cưỡng hiếp, hoặc có quan hệ tình dục từ trẻ nhưng bị từ chối quyền được kết hôn chính thức.

Có thể vụ việc này một lần nữa sẽ giúp đánh thức cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của chế độ nô lệ trong thế giới hiện đại. Đặt trong bối cảnh trong những năm gần đây, Mauritania đã cho thấy một số dấu hiệu tích cực với những cam kết của chính phủ trong nỗ lực hoàn thiện lộ trình pháp lý và chính sách chống tàn dư của chế độ nô lệ và tăng cường sự ủng hộ dành cho nạn nhân, thì việc Mbeirika Mint M’bareck, cô gái có cái tên có nghĩa là “được chúc phúc”, lại phải đối mặt với lời buộc tội trên sau khi có lại tự do là điều dư luận thấy khó chấp nhận.

Trường hợp của “Được chúc phúc” vừa là lời nhắc nhở rằng những nỗ lực chống chế độ nô lệ cho đến hôm nay vẫn còn chưa đủ, cũng là cơ hội để Mauritania thể hiện cho thế giới thấy quốc gia này đang lắng nghe. Và việc lắng nghe sẽ phải dẫn tới những hành động thiết thực.

Hôm nay là ngày 22/10/2014. Thế cho nên, cũng không phải “là quá sớm” để thật sự và nghiêm túc bắt tay vào nhiệm vụ bảo vệ con người.


Anh Tiếu (Theo CNN)

IS tuyên bố khôi phục chế độ nô lệ
IS tuyên bố khôi phục chế độ nô lệ

Nhóm các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) cho biết đã "tặng" những phụ nữ và trẻ em sắc tộc Yazidi bị bắt giữ ở miền Bắc Iraq cho các tay súng của nhóm này như là các chiến lợi phẩm chiến tranh, đồng thời tuyên bố khôi phục chế độ nô lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN