Malaysia quản lý trực tuyến lao động nước ngoài

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết Malaysia sẽ sớm đưa vào sử dụng hệ thống quản lý người lao động nước ngoài trực tuyến để giảm bớt thời gian mang hồ sơ tuyển dụng vào đất nước.

Tính đến tháng 6/2015, có khoảng 7 triệu người lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia.


Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Nội các về Người lao động nước ngoài và Nhập cư bất hợp pháp tại Putrajaya ngày 18/8, ông Zahid cho biết thông thường các chủ sử dụng lao động phải mất từ 3 - 6 tháng để nộp hồ sơ tuyển dụng vào Trung tâm Phê duyệt một cửa của Bộ Nội vụ, nhưng nếu nộp theo hình thức trực tuyến thì sẽ được phê duyệt trong vòng 48 giờ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện do Bộ quy định.

Ông Zahid nói: ''Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm và thấy hệ thống có hiệu quả hơn. Hệ thống đồng bộ hóa một cửa được tạo ra để không có sự chồng chéo giữa các bộ".

Theo đó, các nhà tuyển dụng sẽ điền vào các mẫu đơn trực tuyến và chính phủ sẽ xem xét có bao nhiêu lao động nước ngoài là cần thiết. Sau đó, các Bộ liên quan sẽ liên lạc với nước cung cấp nguồn, trong đó có danh sách của người lao động đăng ký, để cung cấp số lượng công nhân được yêu cầu, cũng như một số các điều kiện yêu cầu trước chẳng hạn như dữ liệu và sinh trắc học của lao động nước ngoài phải được tuân thủ, trước khi thực hiện quá trình chuyển giao.

Một khi hệ thống ứng dụng trực tuyến đã được đưa vào sử dụng, các nhà tuyển dụng sẽ cắt giảm được chi phí cho các đại lý do Chính phủ cung cấp dịch vụ này miễn phí.

Bên cạnh ứng dụng tuyển dụng trực tuyến, ông Zahid cho biết tại cuộc họp, Ủy ban Nội các về người lao động cũng quyết định hai vấn đề khác liên quan đến người lao động nước ngoài - để đáp ứng các nhu cầu lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đó là yêu cầu các nhà tuyển dụng cung cấp cho các lao động nước ngoài nhà ở dựa trên các tiêu chuẩn tối thiểu do chính phủ đặt ra như khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, trung tâm cầu nguyện cho các tôn giáo khác nhau vì lý do nhân đạo cũng như làm giảm nguy cơ các vấn đề xã hội và tội phạm. Một dự án nhà ở thí điểm đã được thực hiện ở Pengerang, bang Johor, có sức chứa 10.000 người lao động nước ngoài tại một khu nhà ở.

Trước đó, hồi đầu tháng này, tại cuộc họp hàng tháng của Bộ Nội vụ, ông Zahid lưu ý rằng cần phải giám sát người lao động nước ngoài vì quan ngại rằng Malaysia sẽ trở nên giống như một trong những nước Trung Đông, với số lượng lao động nước ngoài vượt quá lao động địa phương.

Ông Zahid cho biết số người lao động nước ngoài ở Malaysia là quá nhiều bởi vì người Malaysia không thích công việc nặng nhọc, dơ bẩn và nguy hiểm, trong khi nhiều ngành kinh tế đang cần nhiều công nhân. Đó là lý do tại sao Malaysia phải nhập khẩu lao động nước ngoài, mặc dầu nhận thức được rủi ro cao.

Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý rằng Chính phủ Malaysia không muốn thấy tình trạng thừa cung lao động nước ngoài vì nó sẽ tạo ra các vấn đề xã hội khác, và yêu cầu cảnh sát tăng cường nỗ lực để hạn chế các vấn đề xã hội.

Theo Tổ chức Công đoàn Malaysia (MTUC), tính đến tháng 6/2015, có khoảng 7 triệu người lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia, nhưng chỉ có 2,2 triệu người là lao động hợp pháp.

Kim Dung (P/v TTXVN tại Malaysia)
Việt Nam và Malaysia ký Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động
Việt Nam và Malaysia ký Bản ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động

Việt Nam và Malaysia vừa ký kết lại Bản Ghi nhớ về tuyển dụng và sử dụng lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN