Ngọn núi cao nhất trên Trái Đất là gì? Hóa ra câu trả lời cho câu hỏi đó còn gây tranh cãi hơn bạn nghĩ.
Nếu bạn đo độ cao so với mực nước biển trung bình, thì rõ ràng là đỉnh Everest cao 8.849 mét, nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, là đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu bạn đo một ngọn núi từ chân núi đến đỉnh núi, thì Mauna Kea cao 10.211 mét, một ngọn núi lửa đã tắt trên đảo Hawaii, sẽ đứng đầu.
Nhưng vẫn còn một ứng cử viên khác cho danh hiệu ngọn núi cao nhất: đó là Chimborazo, một ngọn núi lửa đã tắt nằm trên rặng núi Cordillera Occidental, thuộc dãy Andes ở Ecuador.
Khi đo từ mực nước biển, Chimborazo thấp hơn Everest khá nhiều, với độ cao 6.263 mét. Tuy nhiên, đỉnh núi Chimborazo thực tế lại cách xa tâm Trái Đất hơn Everest tới 2.072 mét, khiến nó trở thành điểm gần nhất trên Trái Đất với các vì sao.
Khi Trái Đất không thực sự tròn
“Nếu bạn tưởng tượng Trái Đất là một chấm xanh trong không gian, thì Chimborazo là nơi duy nhất bạn có thể đứng và ở xa tâm của chấm đó nhất có thể”, Derek van Westrum, một nhà vật lý thuộc Cục Khảo sát trắc địa quốc gia của NOAA, cơ quan liên bang xử lý việc lập bản đồ và lập biểu đồ, giải thích.
Lý do nằm ở vị trí của Chimborazo, cách đường xích đạo 1,5 độ về phía nam.
Ông Van Westrum giải thích rằng Trái Đất thực sự hơi phình ra một chút quanh “eo” của nó. “Trái Đất được tạo thành từ đá và khá tròn, nhưng vì nó quay nên nó phình ra ở đường xích đạo”, ông nói.
Lực ly tâm do sự quay liên tục của hành tinh đã làm Trái Đất phình ra ở vòng xích đạo, và vì thế Chimborazo ở xa tâm Trái Đất hơn những ngọn núi cao thuộc dãy Himalaya, vì tất cả đều nằm xa đường xích đạo hơn.
Ecuador gần đây đã nắm bắt được sự kỳ quặc về mặt thống kê này để quảng bá Chimborazo như một điểm đến mới nổi. Ý tưởng là, không giống như Everest hay Aconcagua (đỉnh cao nhất dãy Andes), ngọn núi siêu việt này nằm trong tầm với về mặt vật lý và tài chính của những du khách thích phiêu lưu. Họ chỉ cần đi chuyển xa hơn 4 giờ lái xe về phía nam từ Quito để có thể chinh phục đỉnh núi tuyết phủ này.
Leo núi Chimborazo
Chimborazo thực ra chỉ là ngọn núi cao thứ 39 ở dãy Andes nếu đo từ mực nước biển, nhưng có một thời gian ngắn vào thế kỷ 19, người ta cho rằng đây là đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tin đồn đó bắt nguồn từ nhà địa lý và nhà thám hiểm người Đức nổi tiếng Alexander von Humboldt, người đã leo lên Chimborazo vào năm 1802. Von Humboldt chỉ lên đến độ cao khoảng 5.882 mét trước khi đi xuống thung lũng cao nguyên mà sau này ông đặt tên là Đại lộ Núi lửa.
Tuy nhiên, những câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về việc ông dũng cảm chinh phục ngọn núi khổng lồ Andes này đã thu hút nhiều nhà thám hiểm châu Âu đến Ecuador. Trong số đó có nhà leo núi người Anh Edward Whymper. Sau những lần leo núi Matterhorn và Mont Blanc nổi tiếng ở dãy Alps vào năm 1880, Whymper trở thành người đầu tiên được biết đến là đã lên đến đỉnh Chimborazo.
Ngày nay, khoảng 500 nhà leo núi đăng ký chinh phục đỉnh Chimborazo mỗi năm, nhưng chỉ hơn một nửa trong số họ lên đến đỉnh.
Mùa leo núi chính là từ cuối tháng 9 đến tháng 2, khi thời tiết ôn hòa hơn và ngọn núi thường được bao phủ bởi một lớp tuyết dày. Tuy nhiên, Bộ Du lịch Ecuador cho biết sức hấp dẫn của dãy Andes ở Ecuador là không giống như hầu hết các trung tâm leo núi khác, đây là điểm đến quanh năm.
Những ngọn núi cao nhất của quốc gia này tương đối ôn hòa, do nằm ở vùng nhiệt đới và có rất ít sự thay đổi về ánh sáng ban ngày giữa các mùa. Hầu hết các đỉnh núi cũng dễ dàng tiếp cận từ các thành phố vùng cao như Quito hoặc Cuenca. Ví dụ, Chimborazo nằm gần như cách đều hai ngọn núi trên Đường cao tốc liên Mỹ.
Ông Santiago Granda, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ecuador, cho biết: "Ngày càng có nhiều người bắt đầu đến để tập luyện và chuẩn bị cho những thử thách lớn tại Chimborazo. Bạn ở xa lõi Trái đất hơn và gần các vì sao hơn - và đó là một điểm hấp dẫn lớn".
Những người hy vọng lên đến đỉnh núi thường mất hai ngày để chinh phục, trái ngược với khoảng hai tháng để leo lên Everest. Tất nhiên, những người leo núi cũng cần khoảng một tuần để thích nghi trước.
Nhiều người đến Chimborazo vì môi trường núi cao đặc biệt của nơi này. Ông Granda lưu ý rằng: "Đối với một số người Ecuador, đây là lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy tuyết".
Ngọn núi này còn là nơi trú ẩn của 8.000 con lạc đà vicuna hoang dã, tổ tiên của loài lạc đà alpaca thuần hóa, và là nơi sinh sống của loài chim ruồi lớn nhất thế giới. Ngoài ra nơi đây còn có những khu rừng queuña cong queo, có thể sống sót ở độ cao lớn hơn bất kỳ loài cây nào khác.