Khỉ cũng phải... kế hoạch hóa


Dường như lũ khỉ ở Hồng Công (Trung Quốc) không hề quan tâm rằng đặc khu hành chính này là một “rừng” cao ốc chọc trời, chứ không phải là một rừng cây cho chúng thoải mái leo trèo. Thế nên, chúng cứ thỏa sức phát triển, sinh sôi nảy nở nhiều đến mức chính quyền Hồng Công buộc phải “kế hoạch hóa” cho bầy khỉ nhằm chặn sự bùng nổ dân số khỉ.


Bác sĩ thú y chuẩn bị thực hiện phẫu thuật nội soi để tránh thai cho khỉ.Ảnh: AFP-TTXVN


Việc người dân hay vứt thức ăn cho khỉ cũng là lý do khiến số lượng khỉ tăng lên hơn 2.000 con trong những năm gần đây. Khi bầy khỉ ngày càng đông, người dân Hồng Công cũng ngày càng khó chịu và hay than phiền về lũ khỉ - loài vật giờ không còn biết sợ con người.

Chuyện người đi đường bị lũ khỉ ghê gớm đuổi theo đòi thức ăn, giật túi xách, móc ví ngày càng phổ biến ở Hồng Công. Bầy khỉ hoang đã quen với mùi vị thức ăn của người và thường xuyên luẩn quẩn quanh các khu phố mua sắm đông đúc trong thành phố. Hồi tháng 4, một con khỉ thậm chí còn lẻn vào khu trung tâm Kowloon và tìm thức ăn trong rác thải. Nhiều con khỉ thậm chí còn bị lạc trong thành phố.

Từ thập kỷ trước, chính quyền Hồng Công đã có lệnh cấm cho khỉ ăn và những người vi phạm sẽ bị phạt tới 10.000 đôla Hồng Công (khoảng 1.287 USD). Nhưng lệnh cấm này hầu như chẳng có tác dụng khi khách du lịch và những người đi đường hào phóng liên tục cho khỉ những bữa ăn miễn phí. Trong hoàn cảnh đó, biện pháp kế hoạch hóa cho khỉ đã được chính quyền Hồng Công áp dụng.

Những thử nghiệm đầu tiên đã được thực hiện vào năm 2002 trong khuôn khổ chương trình tránh thai cho khỉ đầu tiên trên thế giới. Vào thời gian đó, chính quyền đã dùng các phương pháp gồm phẫu thuật cắt ống dẫn tinh cho khỉ đực và tiêm thuốc ngừa thai tạm thời cho khỉ cái. Còn hiện nay, chương trình này tập trung triệt sản cho khỉ cái mỗi tháng 2 lần. Số lượng bầy khỉ bị triệt sản vĩnh viễn hoặc tạm thời ước tính vào khoảng hơn 1.500 con.

Một con khỉ ở Hồng Công uống nước bằng chai. Ảnh: AFP-TTXVN


Tuy nhiên, kế hoạch hóa cho khỉ không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề đầu tiên là làm thế nào để bắt chúng. Phần lớn khỉ sống ở bán đảo Kowloon, trong đó tập trung đông ở công viên Kam Shan và Lion Rock, số ít sống ở khu vực phía tây bắc. Theo người phát ngôn Bộ Bảo tồn Hồng Công, bắt khỉ là một việc rất khó khăn và họ đã thử mọi cách, từ súng bắn lưới, bẫy lồng, dụ bằng mồi, đặt bẫy đến dùng súng phi tiêu. Nhưng phần lớn các cách trên chỉ có thể được áp dụng vài lần. Lũ khỉ tinh ranh sau đó sẽ nhận ra và lẩn tránh. Thậm chí, bọn khỉ còn biết nhận mặt những nhân viên thuộc Bộ Bảo tồn và xe của họ. Chỉ cần thấy bóng dáng những người này là bọn chúng tránh xa.

Bây giờ, muốn bắt khỉ, cơ quan chức năng phải để lồng mở nhiều ngày liền. Trong lồng lúc nào cũng có thức ăn và thức ăn này phải do những người được lũ khỉ quen biết và tin cậy đặt vào. Ông Paolo Martelli, bác sĩ thú ý thuộc Tổ chức Bảo tồn Công viên đại dương (Ocean Park), giải thích: “Chúng tôi dùng cách này để khi bị bẫy, lũ khỉ không hoảng sợ và sẽ tiếp tục ăn thức ăn như mọi lần”. Sau khi bắt được khỉ, bác sĩ thú y sẽ dùng thủ thuật phẫu thuật nội soi đơn giản, chính xác cắt hai ống giữa dạ con và buồng trứng của khỉ. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút.

Các chuyên gia cho biết kế hoạch ngừa thai cho khỉ không phải là để loại trừ loài khỉ mà là một biện pháp bảo tồn để giúp loài động vật này tiếp tục tồn tại được trong phạm vi thành phố. Theo hãng tin AFP, chương trình đã được các tổ chức độc lập về quyền động vật tán thành. Bà Ashley Fruno, phát ngôn viên của Tổ chức những người ủng hộ đối xử nhân đạo với động vật ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định, biện pháp ngừa thai tốt hơn rất nhiều so với đầu độc hoặc các phương pháp nguy hiểm khác khiến động vật phải chịu đau đớn. Bà Fruno cho rằng đây là một ví dụ tuyệt vời về các phương pháp không nguy hiểm được dùng để kiểm soát số lượng động vật hoang dã.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN