Vốn được biết đến với vai trò giám sát hoạt động hạt nhân của các quốc gia trên thế giới, song trong bối cảnh dịch bệnh Zika đang càn quét châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, loài muỗi Aedes aegypti đầy tiền án tiền sự (trước đó là lan truyền căn bệnh nhiệt đới cấp tính, sốt phát ban và giờ đây là phát tán virus Zika, đối tượng tình nghi số một gây ra hiện tượng đầu nhỏ bất thường ở trẻ sơ sinh) đã lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia IAEA.
Nhân viên y tế Brazil phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Zika ngày 17/2. Ảnh: FP/TTXVN |
Phía bên trong cơ sở nghiên cứu được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt tại Seibersdorf (Áo), cách thủ đô nước Vienna 30 km về phía nam, các chuyên gia đang nỗ lực hoàn thiện thứ “vũ khí hạt nhân” của con người trong cuộc chiến chống lại loài côn trùng gây bệnh, có tên kĩ thuật côn trùng vô sinh (SIT).
Với SIT, trước khi phóng sinh muỗi đực ra môi trường để chúng tìm bạn tình, các nhà khoa học sử dụng một nguồn phóng xạ để phá hủy bộ phận sinh sản của loài côn trùng này, khiến cho những quả trứng mới được sinh ra sẽ hỏng.
Jorge Hendrichs, Giám đốc bộ phận phụ trách việc kiểm soát các loài phá hoại của IAEA cho biết, về cơ bản, “đây là việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho côn trùng” nhằm tiến tới hạn chế dần, hoặc triệt tiêu số lượng loài muỗi này.
Khi chính phủ các nước bị ảnh hưởng bởi virus Zika đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả để kiểm soát đại dịch, SIT nổi lên là biện pháp hữu hiệu hơn cả ngoài những phương pháp truyền thống như sử dụng thuốc xịt côn trùng hay phá bỏ các địa điểm đẻ trứng của muỗi.
Thâm nhập phòng thí nghiệm
Vừa dẫn đường cho đoàn phóng viên tham quan khu vực thí nghiệm, ông Marc Vreysen, người dẫn đầu đội nghiên cứu Seibersdorf vừa giải thích, mùi khiến đoàn phóng viên bịt mũi là mùi của những con côn trùng. Ấu trùng và nhộng của muỗi được tập trung trong một căn phòng rộng để các nhà khoa học xử lý phóng xạ. Trong khi đó, tại một căn phòng khác, những chiếc lồng chứa muỗi từ nhiều nơi trên thế giới tề tựu trên kệ và được đánh dấu cẩn thận: Brazil, Indonesia, Thái Lan.
Thi thoảng, một số con muỗi tìm được đường thoát thân bay vòng vòng trong bầu không khí và gây ra vài khoảnh khắc hỗn loạn. Nhưng cuộc đào tẩu không kéo dài khi kẻ liều lĩnh đơn độc phải đối mặt với chiếc vỉ điện. Nhà côn trùng học trong đội SIT Rosemary Lees cho biết, điều quan trọng nhất cần phải nhớ là chỉ muỗi cái đốt người và truyền bệnh trong khi “muỗi đực ăn hoa và mật hoa”. Tại phòng thí nghiệm, máu lợn và máu bò được đổ vào bên trong một lớp màng trước khi được đặt lên bên trong lồng muỗi. Gần như ngay lập tức khi miếng mồi xuất hiện, cả binh đoàn côn trùng bay lên điên cuồng hút máu.
Dù rất muốn xóa sạch những sinh vật gây hại này, trước mắt các quốc gia vẫn còn vấp phải nhiều trở ngại, trong đó thách thức lớn nhất là phân tách giới tính của muỗi trước khi các nhà khoa học can thiệp. Bên cạnh đó, để SIT có thể tác động được vào số lượng loài muỗi này, tỉ lệ phòng thí nghiệm - muỗi tự nhiên phải đảm bảo tỉ lệ 10 - 20/1.
Dù việc thảo luận sử dụng SIT đang được các quốc gia thành viên IAEA thảo luận, song ông Vreysen cảnh báo sẽ không có biện pháp nào có thể nhanh chóng xử lý đại dịch Zika bởi thứ các nhà khoa học đang phát triển là những công nghệ lâu dài và đảm bảo tính ổn định.