Hàn Quốc “tắt máy tính” để giảm giờ làm

Ngày càng nhiều các tập đoàn ở Hàn Quốc đang quay lưng lại với văn hóa tham công tiếc việc, từng được cho là không thể thiếu trong những thập niên phát triển kinh tế, nhưng nay lại bị đánh giá là ảnh hưởng tới sức khỏe và không hiệu quả.


 

Giờ làm việc kéo dài ở Hàn Quốc không mang lại hiệu quả. Ảnh: Internet

 

Giờ làm việc kéo dài, thường kéo theo là những buổi nhậu nhẹt khuya với ông chủ, từ lâu đã được xem là một đặc điểm “truyền thống” của các tập đoàn Hàn Quốc - những công ty đã có công đưa đất nước bị tàn phá tơi bời bởi chiến tranh trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á chỉ trong vài thập niên.


Nhưng nền kinh tế phát triển đã mang đến những giá trị mới và ưu tiên mới, khi đội ngũ nhân viên đòi hỏi một sự cân bằng hơn giữa công việc và đời sống so với các thế hệ trước đây - những thế hệ từng gánh vác nhiệm vụ ái quốc nặng nề là phải nhanh chóng đưa đất nước thoát nghèo.


Trong suốt hơn hai mươi năm, ông Yie Jong - Man, một giám đốc chi nhánh ngân hàng 53 tuổi ở Xơun, chỉ dám mơ ước được ăn bữa tối cùng gia đình. “Tôi phải làm việc đến 10 - 11 giờ đêm, hoặc muộn hơn vì có quá nhiều việc, hoặc đơn giản chỉ vì sếp vẫn chưa về”, người quản lý của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) từ năm 1986 nhớ lại và cho biết thêm: “Tôi không có thời gian dành cho gia đình trong khi hai đứa con của tôi thì lớn lên hàng ngày. Chúng đều đã ngủ say khi tôi trở về nhà”.


Nhưng mọi việc đã bắt đầu thay đổi từ năm 2009, khi IBK, ngân hàng lớn thứ tư của Hàn Quốc, áp dụng một chính sách chưa từng có tiền lệ: Tắt toàn bộ các máy tính tại văn phòng vào 7 giờ tối để buộc nhân viên phải dứt khỏi công việc. Quy định “PC off” (Tắt máy tính) đã rất thành công và nhiều ngân hàng khác đang dự định học tập IBK trong năm nay.


Năm 2011, một người lao động Hàn Quốc trung bình phải làm việc 44,6 tiếng mỗi tuần, cao thứ hai sau Thổ Nhĩ Kỳ trong số 34 nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhưng những công nhân bị vắt kiệt sức ở “xứ sở kim chi” chỉ xếp thứ 28 xét trên tiêu chí năng suất lao động. Một báo cáo công bố năm ngoái của công ty tư vấn Towers Watson cũng cho thấy, chỉ 17% người lao động Hàn Quốc “kết dính cao” với công việc của mình, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 35% trong số 28 quốc gia phát triển được khảo sát.


Giờ làm việc kéo dài bị cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sinh sụt giảm, khiến Hàn Quốc trở thành một trong những nước có dân số lão hóa nhanh nhất thế giới - một xu hướng sẽ gây những hậu quả nặng nề về kinh tế. Theo một báo cáo gần đây của LHQ, số người ở độ tuổi 60 trở lên sẽ chiếm 39% dân số Hàn Quốc vào năm 2050, tăng mạnh so với tỉ lệ 17% hồi năm ngoái, trong khi lực lượng dân số trẻ của nước này có nguy cơ giảm một nửa vào năm 2060.


Trong mùa bầu cử tổng thống năm ngoái, tất cả các ứng cử viên chính đều hứa hẹn sẽ giảm thời gian làm việc và cải thiện chất lượng sống của người dân. Tổng thống đắc cử Park Geun - Hye thì cam kết sẽ giảm giờ làm việc xuống ngang mức trung bình của OECD vào năm 2020.


Ngay cả các tập đoàn gia đình khổng lồ, tiếng Hàn gọi là “chaebol”, vốn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc, cũng đã bắt đầu nhượng bộ trong vấn đề này. Sau 10 năm kể từ khi bắt đầu thương lượng với công đoàn, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc, Hyundai Motor đã đồng ý giảm giờ làm việc cho khoảng 30.000 nhân công và xóa bỏ chế độ làm ca ba kéo dài nhiều thập kỷ qua. 35 ngân hàng và các công ty tài chính khác, với tổng lực lượng lao động trên 100.000 người, gần đây cũng đã nhất trí với các công đoàn về quy định “tắt máy tính” vào cuối năm 2013.


Khi đồng hồ điểm 18 giờ 30 tại chi nhánh ngân hàng IBK ở quận Dongdaemun, ông Yie Yong-Man và các quản lý khác bắt đầu hô to với các nhân viên của mình: “Mọi người, hãy xếp mọi thứ lại, về nhà thôi!”


Những ai muốn ở lại làm việc sau 19 giờ đều phải được sự cho phép từ người quản lý - những người mà hiệu quả công việc của họ được đánh giá không chỉ ở bao nhiêu lợi nhuận mang lại mà còn là nhân viên dưới quyền có thể về nhà sớm ra sao. “Nay thì tôi đã có thể ăn tối với vợ. Ước gì tôi đã làm được điều đó từ khi các con còn nhỏ, bọn chúng giờ trưởng thành cả rồi”, ông Yie có phần tiếc nuối.


Thu Hằng (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN