“Nếu như bạn đang tìm một vị trí trở thành nhân viên mặt đất của một hãng hàng không, bộ vest đen thông dụng sẽ cực kỳ phù hợp”, cô Kim Ye-ji – quản lý một cửa hàng cho thuê vest gần ga Đại học Hongik – nói khi đang hỗ trợ một khách hàng tìm được một trang phục ưng ý để đi phỏng vấn. Nhiệm vụ hàng ngày của cô là tư vấn cho khách hàng những mẫu vest phù hợp với tính chất công việc và dáng người của khách. Chỉ cần 15 phút, khách hàng có thể thử và thuê được một bộ vest trang trọng.
Sáng kiến cho thuê trang phục được chính quyền Thủ đô Seoul khởi xướng vào năm 2016 nhằm mục đích giảm bớt sức ép tài chính cho những người tìm việc trẻ bằng cách cung cấp dịch vụ cho thuê trang phục miễn phí để tham gia các cuộc phỏng vấn.
Dịch vụ này dành cho bất kỳ ai cư trú tại Seoul, từ học sinh tốt nghiệp trung học đến người trưởng thành 39 tuổi. Khách hàng có thể thuê quần áo, bao gồm cà vạt, thắt lưng và giày trong 4 ngày, với tối đa 10 lần một năm.
Để tăng cường phạm vi tiếp cận với người dân, chính quyền thành phố đã mở 3 cơ sở mới ở Cheonho-dong, quận Yeongdeungpo và quận Nowon vào năm 2023, cũng như có kế hoạch mở một chi nhánh khác ở quận Jongno trong năm 2024, nâng số lượng cửa hàng lên 14.
Sáng kiến này đã khiến giới trẻ vô cùng yêu thích. 98,6% người dùng tỏ ý hài lòng với dịch vụ trong một cuộc khảo sát do chính quyền thành phố thực hiện.
Seo Yu-jin, một người xin việc ngành công nghệ thông tin đã 3 lần sử dụng dịch vụ, bày tỏ: “Đối với tôi, việc có thể thuê một bộ đồ miễn phí là ưu thế lớn nhất. Những bộ vest thường chỉ dùng để đi phỏng vấn và không được giới trẻ mặc thường xuyên nên việc mua một bộ sẽ trở thành gánh nặng tài chính”.
Việc thuê quần áo cũng được đơn giản hóa để cho khách hàng thuận tiện thuê. Những khách hàng lần đầu đến với dịch vụ chỉ cần đưa căn cước công dân để xác nhận nơi cư trú là tại Seoul, thì họ có thể thuê được ngay một bộ trang phục miễn phí.
Nhân viên cửa hàng sẽ tư vấn mẫu mã, các vật dụng đi kèm theo công ty hoặc ngành mà khách hàng mong muốn tuyển dụng sau khi lấy số đo.
Sau khi thử những bộ đồ được gợi ý trong phòng thay đồ, nếu cần thay đổi một số chi tiết trên trang phục theo số đo của khách hàng, nhân viên sẽ thực hiện chỉ mất vài phút.
Đối với khách hàng quen, hồ sơ thông tin được lưu giữ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng dịch vụ lần sau.
“Chúng tôi ghi lại một cách tỉ mỉ những dữ liệu như mức độ thay đổi ở eo và chân của quần, để những khách hàng cũ có thể nhận được các sản phẩm được cá nhân hóa với hiệu quả cao hơn”, cô Kim chia sẻ.
Tại cơ sở Hongdae và cơ sở gần Đại học Konkuk, khách hàng có thể để lại quần áo họ mặc khi vào cửa hàng, cất trong tủ khóa riêng để có thể mặc luôn bộ đồ thuê trong trường hợp họ đang trên đường đến nơi phỏng vấn.
Quản lý Kim cho hay những khách hàng tìm đến đây không chỉ với mục đích thuê trang phục mà họ còn muốn được tư vấn, nhân viên đưa ra những đề xuất riêng phù hợp với hình ảnh của khách hàng hay ngành tuyển dụng.
Tại cơ sở Hongdae, tất cả nhân viên đều có chứng chỉ về xây dựng hình ảnh và màu sắc cá nhân, nhấn mạnh cam kết về dịch vụ tinh ý và cá nhân hóa.
Kim So-ryeong, Giám đốc điều hành của The Open Closet, một cửa hàng cho thuê miễn phí gần ga Đại học Konkuk, nhấn mạnh dịch vụ của cửa hàng bắt kịp các xu hướng trong các cuộc phỏng vấn việc làm.
Trước đây, trang phục phỏng vấn thường bao gồm áo sơ mi trắng và quần hoặc váy đen. Tuy nhiên, những năm gần đây đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể của quy định về trang phục, đặc biệt các công ty lớn thoải mái hơn trong trang phục công sở, không bắt buộc đồng phục.
Cô nói: “Những nỗ lực không ngừng của chúng tôi không chỉ hướng đến việc cho thuê trang phục phỏng vấn mà còn tạo kiểu phù hợp với xu hướng hiện đại”.
Để đáp ứng những thay đổi trong xu hướng phỏng vấn, cửa hàng đang mở rộng phạm vi tiếp cận. Hiện tại, cơ sở này đang lưu giữ 7.000 bộ quần áo, tăng gấp 3 lần so với số lượng quần áo trong năm đầu tiên khai trương 2016.
Số lượng khách hàng tìm đến dịch vụ này không ngừng tăng lên, đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái, đánh dấu 55.114 người dùng. Con số này đã tăng gần 14 lần so với con số 4.032 người dùng ban đầu vào năm 2016.
Trong nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, cơ sở ở Đại học Konkuk đã thực hiện các biện pháp chủ động bằng cách lắp đặt thêm một phòng thay đồ được thiết kế đặc biệt dành cho người khuyết tật. Phòng rộng gấp đôi phòng thay đồ tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho xe lăn di chuyển dễ dàng và có lắp đặt tay vịn.
Là một phần trong cam kết đối với các dự án hỗ trợ việc làm cho thanh niên, chính quyền Thủ đô Seoul đang lên kế hoạch chiến lược để mở rộng phạm vi dịch vụ. Kế hoạch bao gồm việc mở rộng không gian dịch vụ để đảm bảo thuận tiện cho nhóm nhân khẩu học rộng hơn.