Gian nan cuộc chiến chống khạc nhổ nơi công cộng

Tại một bến xe buýt ở miền nam thành phố Mumbai (Ấn Độ), một người đàn ông khạc mạnh rồi nhổ một bãi nước bọt to tướng xuống đường không nghĩ ngợi. Không may cho ông ta, ông ta đã bị một giám sát viên bắt gặp.

 

Bà Kamble (giữa) bắt người vi phạm phải rửa bãi nước bọt ông ta vừa nhổ ra đường ở Mumbai. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Giám sát viên là bà Rajeshree Rajaram Kamble 53 tuổi, tiến tới “con mồi” của mình và nghiêm khắc đòi ông ta nộp phạt 200 rupee (khoảng 75.000 đồng).

 

Chủ nhân bãi nước bọt ngạc nhiên trước lời phê bình của bà Kamble và phân trần rằng ông ta không mang theo ít tiền nào.

 

Bà Kamble bắt ông ta đến gần một quầy bán nước mía để lấy nước và nói: “Thế thì anh có thể dọn bãi nước bọt đi. Nếu anh không rửa sạch, anh có thể cởi quần áo ra mà lau”.

 

Người đàn ông vẫn chần chừ và lời qua tiếng lại giữa hai người ngày càng nóng nảy.

 

Người đi đường ngừng lại để xem màn đấu khẩu. Bà Kamble khăng khăng :“Xin lỗi là không đủ” cho đến khi người đàn ông dịu bớt và ngượng ngùng dọn bãi nước bọt.

 

Đối với bà Kamble, cuộc đấu khẩu này là một phần trong công việc của mình. Bà kể: “Ngày nào tôi cũng phải đấu tranh với mọi người. Không ai thích nộp phạt cả”.

 

Làm việc cho Hội đồng thành phố Mumbai (MCGM), bà là một trong 25 người làm nhiệm vụ phát hiện và xử phạt những vụ vi phạm kiểu như nhổ bọt, xả rác, tè bậy, tắm trên đường phố.

 

Trong một thành phố đông đúc và bẩn thỉu như Mumbai, bà Kamble dường như phải đối mặt với một cuộc chiến không cân sức. Nhưng bà không bao giờ chịu thất bại trước những thói quen xấu như nhổ bọt bừa bãi. Bà nói: “Mỗi khi tôi nhìn thấy ai nhổ bậy, máu tôi lại sôi lên và tôi rất giận dữ”.

 

Mỗi khi ra đường làm nhiệm vụ của mình, bà Kamble chỉ mang theo một chiếc thẻ tên nhựa và sổ ghi phiếu phạt.

 

Hành vi nhổ bọt nơi công cộng (trừ nơi nào có ống nhổ) bị cấm theo một luật năm 2006 của thành phố Mumbai. Tuy nhiên, trên khắp nước, người Ấn Độ thường nhổ bừa bãi trên đường phố, ngồi trên ô tô nhổ xuống hay nhổ bọt trong các tòa nhà… Hiếm có nơi nào thoát khỏi nạn này mà phần lớn thủ phạm là những người nhai thuốc lá và nhai trầu.

 

Gần đây, đội giám sát viên chống nhổ bọt bừa bãi của Ấn Độ được hỗ trợ nhờ bang Maharashtra đã ra lệnh cấm gutka – một loại thuốc lá nhai được sản xuất hàng loạt và được người dân sử dụng rộng rãi rồi nhổ lung tung làm bẩn đường phố.

 

Tuy nhiên, ông Raja Narasimhan, người phát động chiến dịch “Ấn Độ không nhổ bọt”, cho rằng lệnh cấm này không giúp cải thiện tình hình vệ sinh mấy vì gutka vẫn được bày bán tại các chợ đen. Ông nói: “Không có cách nào để ngăn chặn được nạn nhổ bọt. Ngay cả những người ngồi trên xe Mercedes cũng hạ cửa sổ và nhổ ra đường”.

 

Ngoài những nhân viên làm nhiệm vụ như bà Kamble, Ấn Độ còn có hàng trăm người do các công ty tư nhân triển khai để hỗ trợ thực thi luật cấm hành vi xấu nơi công cộng. Nhưng họ thường gặp phải trường hợp người vi phạm không muốn nộp tiền phạt.

 

Một số nhà hoạt động như ông Vijay Sangole lại nghĩ ra cách khác để diệt nạn nhổ bọt. Ông dán ảnh của các vị thần Hindu tại những nơi mà người dân hay khạc nhổ để họ vì lòng thành kính mà không nhổ bọt. Nhưng vẫn không có tác dụng. Ông Vijay chán nản: “Họ chẳng ngần ngại tí nào. Họ hoàn toàn không có ý thức công dân”.

 

Ngoài mỹ quan đô thị, nạn nhổ bọt bừa bãi còn đặt ra một vấn đề về sức khỏe. Dù chưa có nghiên cứu rộng rãi về mối liên hệ giữa khạc nhổ lung tung và lan truyền bệnh lao nhưng về mặt logic, điều này rất có thể xảy ra. Bà Soumya Swaminathan, Giám đốc Viện nghiên cứu lao quốc gia ở Chennai, cho rằng vi khuẩn bệnh lao có thể từ nước bọt phân tán trong các hạt bụi và bị người đi đường hít phải. Vi khuẩn này lại có thể tồn tại khá lâu.

 

Kể từ tháng 3, các quan chức y tế ở Mumbai đã phân phát tờ rơi và tranh ảnh phòng chống lao trong đó cảnh báo về hành vi khạc nhổ và ho không che miệng nơi công cộng.

 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công, hiệu quả của chiến dịch. Bà Ram Prasad thuộc tổ chức nghiên cứu hành vi Final Mile ở Mumbai nói: “Quan điểm của chúng tôi là dán tranh ảnh nâng cao ý thức chỉ có tác dụng tối thiểu”. Theo bà, những tấm biển kiểu như “không nhổ bậy” gắn khắp Mumbai có thể làm cho nhiều người nhổ bậy thêm. Bà nói: “Nếu chúng ta tiếp tục tuyên truyền rằng có nhiều người khạc nhổ bừa bãi, việc này có thể bị coi là bình thường và có thể chấp nhận được”.

 

Giết chết một thói quen rất khó khăn nhưng bà Kamble tin rằng nhiệm vụ của bà sẽ làm nên một điều gì đó khác biệt. Bà nói: “Tôi cảm thấy tự hào về việc nâng cao ý thức trong xã hội”.

 

 

Thùy Dương

Sập cầu vì... khạc nhổ
Sập cầu vì... khạc nhổ

Một cây cầu ở thành phố Kolkata (Ấn Độ) đang đứng trước nguy cơ bị sập, không phải do những kẻ phá hoại, do thời tiết hay ăn mòn tự nhiên, mà do tệ khạc nhổ của người dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN