Anh Ken Law đang điều hành một công ty công nghệ thông tin thành công nhưng anh còn có một nghề nữa là nghề hoạt động chống nạn buôn người. Anh Law đã cùng hàng chục doanh nhân khác ở Hồng Công (Trung Quốc) sáng lập ra câu lạc bộ Mekong – một tổ chức chung sức cho cuộc chiến chống nạn buôn người trên khắp châu Á.
Anh Ken Law – một thành viên câu lạc bộ Mekong. |
Câu lạc bộ Mekong được thành lập vào tháng 7/2011 và là nhóm hoạt động đầu tiên do các doanh nhân thành lập để đối phó với nạn buôn người. Câu lạc bộ muốn tận dụng nguồn lực, tri thức của giới doanh nhân trong cuộc chiến này. Doanh nhân là những người có điều kiện thuận lợi, nhờ trình độ chuyên môn, kỹ năng và mối quan hệ, họ có thể hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người.
Anh Law kể với phóng viên hãng tin AFP: “Trong một chuyến đi Trung Quốc cách đây 4 năm, tôi thấy cảnh nhiều đứa trẻ ăn xin chuyên nghiệp chỉ khoảng 6, 7 tuổi. Tôi cho rằng chúng đã bị bán để làm công việc này và từ đó, tôi luôn nghĩ cách để giúp những trẻ em này”.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 26 triệu người đang bị bóc lột sức lao động trên toàn cầu, trong đó hơn 9 triệu người đến từ châu Á. Số người này tạo ra một khoản lợi nhuận lên tới 30 tỷ USD. Nạn nhân chủ yếu là người dân ở các quốc gia nghèo đói. Họ bị bọn buôn người bán cho các nhà máy, xí nghiệp bóc lột nhân công tàn tệ hoặc bị đưa lên các tàu đánh cá xa bờ. Phụ nữ bị ép bán dâm, trẻ em bị bóc lột sức lao động.
Một trong số 60 em bé được cảnh sát Trung Quốc giải thoát khỏi bọn buôn người năm 2009 trở về với vòng tay cha mẹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Matthew Friedman, giám đốc một dự án chống nạn buôn người của Liên hợp quốc (UNIAP) tại Băngcốc (Thái Lan), cho biết: “Nạn buôn người đã làm cho người lao động không được trả công, không thể làm chủ cuộc sống của họ và họ chính là nô lệ”. Ông Matthew cho rằng câu lạc bộ Mekong chính là mối liên hệ giữa khu vực tư nhân và các cơ quan chống nạn buôn người.
Không giống như các cơ quan chuyên trách chống nạn buôn người, những doanh nhân này lập kế hoạch cho cuộc chiến ngay tại Hồng Công. Trong câu lạc bộ, các thành viên là luật sư sẽ sử dụng kiến thức về luật của họ để giải quyết các vụ án liên quan đến nạn buôn người, thành viên là chuyên gia công nghệ thông tin sẽ thiết lập đường dây nóng xuyên biên giới để giúp đỡ các nạn nhân, còn những ai làm trong ngân hàng sẽ lần tìm nguồn gốc các giao dịch tiền nong bất hợp pháp của bọn buôn người.
Công ty của anh Law đã góp sức cho câu lạc bộ bằng cách phát triển một ứng dụng di động để giúp đỡ các nạn nhân. Ứng dụng phần mềm đang được thử nghiệm này có nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có các câu hỏi đơn giản giúp nạn nhân được cứu và các nhà chức trách địa phương hiểu được nhau. Anh Law nói: “Tôi tin rằng có nhiều cách để giúp các nạn nhân của bọn buôn người. Tôi hy vọng chúng tôi có thể đóng góp sức mình cho cuộc chiến này”.
UNIAP đã từng làm việc với nhiều tổ chức khác nhau nhưng đây là lần đầu họ hợp tác với một tổ chức gồm toàn thành viên trong cộng đồng doanh nhân như câu lạc bộ Mekong. Ông Matthew Friedman cho biết, quá trình hợp tác rất đáng khích lệ, nhiều thành viên câu lạc bộ đã đề xuất những ý tưởng vô cùng hữu ích để đối phó với nạn buôn người.
Trong khi đó, Jude Mannion, đồng sáng lập câu lạc bộ Mekong và là chủ một công ty tư vấn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cho biết, câu lạc bộ đang đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ bằng chính khả năng sẵn có của họ. Ông nói: “Các doanh nhân Hồng Công đang có cơ hội sử dụng khả năng của họ để góp phần thay đổi cuộc chiến chống nạn buôn người. Tôi cho rằng họ đã sẵn sàng đứng lên đấu tranh”.
Quang Tuyến