Đó là khẳng định của tiến sĩ Alain Ruscio, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin - tư liệu Việt Nam, Cộng hòa Pháp, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” diễn ra tại Hà Nội ngày 5/5 vừa qua.
Ông Alain Ruscio trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. |
Trong tham luận của mình, ông Alain Ruscio khẳng định có một điều chắc chắn là Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử của hai nước Việt Nam và Pháp. Với nước Pháp, đó là biểu tượng của một sự ngoan cố lỗi thời dẫn đến thảm họa còn với Việt Nam, đó là biểu tượng của sự giành lại độc lập dân tộc.
Tiến sĩ Ruscio cũng nhắc đến những ký ức không thể quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tháng 5/2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được các nhà sử học Việt Nam mời đến thăm thủ đô Hà Nội và được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón tại nhà riêng. Sau lần đầu tiên gặp gỡ vào năm 1979, ông đã may mắn trở thành một người thân của Đại tướng và tạo tiền đề để ông xuất bản cuốn sách về lúc sinh thời của Đại tướng mang tên “Một cuộc đời”.
Nhà sử học Alain Ruscio đã điểm lại 3 sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam là Cách mạng tháng Tám, cuộc chiến tranh chống lại thực dân Pháp và đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ với những tác động sâu rộng của sự kiện này tới toàn bộ các nước thuộc địa của Pháp. Theo ông, Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã để lại ảnh hưởng mang tầm cỡ thế giới. Còn thất bại của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ được cả thế giới đón nhận như một sự thất bại cho các trận chiến khác.
Theo ông, thế giới vẫn chưa thể hình dung hết tiếng vang của sự kiện Điện Biên Phủ tại các nước thuộc địa của Pháp thời gian đó, khi mà “những kẻ thực dân đã thất bại, một đội quân chính quy đã bị đánh bại”.
“Mùi thuốc súng đã tan đi tại lòng chảo Bắc Bộ của Việt Nam, song lại thấm đẫm vùng núi Aures ở Algeria... Những dấu hiệu cho thấy người dân đã ăn mừng tại nhiều thủ đô, từ Algiers (Algeria), qua Dakar (Senegal) đến Tananarive (Madagascar)”, ông nói.
Ông Alain Ruscio là nhà sử học, tiến sĩ văn học và nhà nghiên cứu độc lập về Đông Dương thuộc địa và cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Ngày 24/3/2012, ông được trao tặng giải Việt Nam học nằm trong chương trình Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 5 vì những cống hiến, đóng góp quan trọng cho nền lịch sử Việt Nam. |
Tiến sĩ Ruscio nhắc lại câu chuyện xảy ra 4 ngày sau thất bại chính thức của đội quân viễn chinh Pháp, nghị sỹ Pháp Christian Fouchet bày tỏ lo ngại: “Khắp nơi tại Liên hiệp Pháp, những tiếng xì xào âm ỉ làm trái tim của một số người lo sợ và làm kích động một số khác”.
Quả thật, tại Marốc, trong các hòm thư ở Casablanca, một số người Pháp tìm thấy những tấm bưu thiếp có ghi: “Casablanca, Điện Biên Phủ của người Pháp”. Còn tại Tunisia, chiến thắng được kỷ niệm tại các khu phố bình dân, nơi người ta phục vụ một món ăn đặc biệt mang tên “Tagine Điện Biên Phủ”.
Sau đó, các nước thuộc địa châu Phi đã theo dõi sát sao tình hình chiến trận tại Algeria và thường xuyên bình luận. Ví dụ, báo L’Essor phát hành tại thủ đô Bamako (Mali) ngày 19/12/1960 viết: “Ngoài nền độc lập, không còn một giải pháp có giá trị nào khác cho Algeria. Và nếu nước Pháp không chịu chấp nhận, sẽ không chỉ có một Điện Biên Phủ mới mà còn là số phận của chính nước Pháp đang lâm nguy”. Đặc biệt, một phong trào giải phóng dân tộc của Algeria đã coi Điện Biên Phủ là một chiến thắng của chính họ. Tổng thống lâm thời nước Cộng hòa Algeria Ben Youcef Ben Khedda, sau này nhận định: “Ngày 8/5/1954, quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã buộc đạo quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam phải chịu thảm họa Điện Biên Phủ nhục nhã. Thất bại này của Pháp xảy ra như một khối thuốc nổ mạnh tác động tới những người tin rằng lựa chọn nổi dậy trong thời gian ngắn từ nay là giải pháp duy nhất, chiến lược khả dĩ duy nhất”.
Đối với nhiều người Pháp, hình ảnh đội quân nước này đầu hàng ngày 7/5/1954 đã trở thành một nỗi ám ảnh. Trong lời tựa đề cuốn “Đêm thực dân” (La Nuit coloniale) năm 1962, nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc Ferhat Abbas, người sau này trở thành Tổng thống đầu tiên của chính phủ lâm thời Algeria, viết: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự. Đó là khẳng định của người dân châu Á và châu Phi trước người châu Âu. Đó là xác nhận về nhân quyền quy mô toàn cầu. Tại Điện Biên Phủ, nước Pháp đã đánh mất sự hiện diện hợp pháp duy nhất, tức lý lẽ của kẻ mạnh”.
Hoàng Trang