“Nếu như bạn không được xã hội Đan Mạch tiếp nhận, bạn cũng không nên trở thành điều phiền toái đối với người dân Đan Mạch. Những người đó đều không được Đan Mạch đón đợi và họ phải trải qua cảm giác đó”, Bộ trưởng phụ trách nhập cư Đan Mạch Inger Støjberg viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm 30/11.
Hòn đảo mà hơn 100 người tị nạn và tội phạm nhập cư trái phép sẽ bị đưa tới có tên gọi Lindholm, cách bờ biển gần nhất hơn 3 km. Trên hòn đảo này chỉ có một trung tâm nghiên cứu bệnh lây nhiễm từ động vật và lò hỏa táng. Nhóm người tị nạn khi tới đây sẽ bị yêu cầu kiểm tra có mặt hàng ngày với giới chức, hoặc không sẽ bị tống giam.
Đảng cầm quyền Venstre và đảng Nhân dân Đan Mạch đã nhất trí kế hoạch trên như một phần trong đàm phán ngân sách thường niên.
Cùng hứng chịu làn sóng người tị nạn và nhập cư trái phép như những nước Bán đảo Scandinavia láng giềng từ năm 2015, Chính phủ Đan Mạch đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để đối phó với những người xã hội không mong muốn. Những người xin tị nạn bị từ chối hoặc người di cư có hồ sơ phạm tội sẽ bị giam tại một trung tâm khẩn cấp và có thể bị trục xuất.
"Thật không dễ dàng gì khi yêu cầu các gia đình nhập cư quay về nhà, nếu vốn dĩ họ thực sự ổn định. Nhưng đó là điều đúng đắn về mặt đạo đức. Chúng ta không nên biến dân tị nạn thành người nhập cư", Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen phát biểu trong tháng trước.
Bộ trưởng Støjberg là tác giả của chính sách chống nhập cư còn gây tranh cãi của Chính phủ Đan Mạch. Một trong số 50 quy định của Støjberg là yêu cầu người đến xin tị nạn nộp tư trang cá nhân có giá trị và đồ trang sức để “trả cho chi phí” ở Đan Mạch.
"Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Đan Mạch không phải là địa điểm hấp dẫn người xin tị nạn”, Bộ trưởng Støjberg trả lời báo Der Spiegel năm 2016.
Từ 2015 đến 2018, số lượng đơn xin tị nạn tại Đan Mạch đã giảm 84%. Quốc gia này hiện có khoảng 500.000 người nhập cư không phải người phương Tây, chủ yếu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Lebanon, Pakistan và Somalia.