Nhưng Chua không phải là một nông dân bình thường, và đây cũng không phải là những con vật bình thường.
Chua Kai-Ning và đối tác của cô, Phua Jun Wei, thành lập công ty khởi nghiệp Insectta vào năm 2017. Họ đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng lãng phí thực phẩm ở Singapore với sự giúp đỡ của một “đồng minh” thường bị mọi người xa lánh: ấu trùng ruồi lính đen.
Chua cho biết: “Phương châm của Insectta là không có gì bỏ đi. Chất thải có thể được tái sử dụng như một nguồn tài nguyên nếu ta thay đổi cách nghĩ về phương pháp sản xuất và cách xử lý chất thải."
Trong năm 2020, Singapore bỏ đi 665.000 tấn chất thải thực phẩm, nhưng chỉ 19% trong số đó được tái chế. Chua Kai-Ning cho biết công ty của cô cung cấp cho những con giòi ruồi lính đen 8 tấn thức ăn thừa mỗi tháng, bao gồm phụ phẩm từ các nhà máy sản xuất đậu nành và nhà máy bia, như okara và ngũ cốc đã qua sử dụng.
Từ đó Insectta có thể biến những con giòi, ấu trùng của ruồi, thành thức ăn gia súc và biến phân của loài côn trùng này thành phân bón nông nghiệp, và còn hơn thế.
Vật liệu sinh học giá trị
Có rất nhiều công ty sử dụng côn trùng để xử lý chất thải, như Goterra, Better Origin hay AgriProtein, nhưng Insectta đang tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ ruồi lính đen. Với sự tài trợ từ Quỹ Trendlines Agrifood và chính phủ, công ty khởi nghiệp này đang thu được những vật liệu sinh học có giá trị cao hơn từ các phụ phẩm của ấu trùng ruồi.
Chua Kai-Ning cho biết: "Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều vật liệu sinh học quý, có giá trị thị trường có thể được chiết xuất từ những con ruồi này”.
Công ty khởi nghiệp của cô hy vọng vật liệu sinh học của mình có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp các sản phẩm từ côn trùng đang phát triển và thay đổi cách nhìn của con người về chất thải.
Một trong những vật liệu sinh học giá trị được tạo ra từ việc nuôi côn trùng là chitosan, một chất kháng khuẩn có đặc tính chống oxy hóa được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và dược phẩm.
Insectta đặt mục tiêu sản xuất 500 kg chitosan mỗi ngày và hiện đang hợp tác với Tập đoàn Spa Esprit có trụ sở tại Singapore để sử dụng chitosan trong kem dưỡng ẩm.
Insectta cũng đang hợp tác với thương hiệu mặt nạ Vi-Mask, một công ty hy vọng sẽ sử dụng chitosan từ ruồi lính đen để tạo ra một lớp kháng khuẩn trong các sản phẩm của mình.
Hiện tại, Vi-Mask sử dụng chitosan từ vỏ cua để làm lớp lót của mặt nạ. Công ty nói rằng việc chuyển sang chitosan từ côn trùng là một cách làm thân thiện với môi trường, vì chitosan của Insectta có nguồn gốc bền vững hơn.
Nguồn gốc bền vững
Theo Thomas Hahn, nhà nghiên cứu tại Viện Fraunhofer về Kỹ thuật giao diện và Công nghệ sinh học IGB ở Đức, vỏ cua là một trong những nguồn chính cung cấp chitosan. Ông Hahn đã nghiên cứu sản xuất chitosan bằng côn trùng cùng với kỹ sư hóa học - nhà sinh vật học Susanne Zibek. Theo bà Zibek, chitosan có thể thay thế chất làm đặc và chất bảo quản tổng hợp trong mỹ phẩm.
Các sản phẩm đầu tiên được làm bằng chitosan của Insectta hiện đang được phát triển. Chua Kai-Ning cho biết công ty khởi nghiệp của cô hiện đang tìm kiếm sự hợp tác sâu hơn nữa trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm. Ảnh:
Khai thác chitosan từ động vật có vỏ sẽ cần đến các quá trình hóa học và một lượng lớn nước. Trong khi đó, theo Chua Kai-Ning, các kỹ thuật chiết xuất chitosan của Insectta liên quan đến ít hóa chất hơn, như natri hydroxit, so với các quy trình chiết xuất truyền thống, khiến nó trở thành một giải pháp thay thế bền vững hơn.
Nhà sinh vật học Zibek cho biết thị trường vật liệu sinh học từ côn trùng sẽ phát triển khi các công ty tìm cách giảm tác động đến môi trường. "Có sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng và mọi người muốn có những sản phẩm bền vững. Chúng tôi có thể hỗ trợ điều đó bằng cách thay thế các sản phẩm tổng hợp bằng chitosan”, bà Zibek nói.
Để mở rộng thị trường cho vật liệu từ ruồi lính đen, Insectta cần phải giải quyết thách thức là sự kỳ thị đối với côn trùng. Chua nói: “Khi nghĩ đến giòi, điều đầu tiên mọi người nghĩ tới là chúng ghê tởm và có hại cho con người. Nhưng bằng cách đặt lợi ích lên hàng đầu, chúng tôi có thể thay đổi cách nghĩ của mọi người”.
Chua cho biết ruồi lính đen không cắn và chúng lớn rất nhanh, là loài côn trùng lý tưởng cho nông nghiệp đô thị.
Mặc dù vẫn đang tiếp diễn tranh cãi khoa học về lợi ích của côn trùng, nhưng Phua cho biết biết, việc nuôi ruồi lính đen còn nhân văn và bền vững hơn nuôi gia súc vì côn trùng cần ít nước, năng lượng và không gian hơn để phát triển.
Tuy nhiên, thay vì điều hành các trang trại riêng, Insectta có kế hoạch bán trứng ruồi cho các trang trại ruồi lính đen địa phương và thu thập các phụ phẩm do các trang trại này sản xuất để sau đó chiết xuất vật liệu sinh học.
"Chúng tôi không chỉ muốn côn trùng nuôi cả thế giới, chúng tôi còn muốn côn trùng cung cấp năng lượng cho thế giới”, Phua Kai-Ning nói.