Có một thư viện tưởng nhớ Mác ở Luân Đôn

Bạn sẽ rất ngạc nhiên và thích thú khi đến thăm một thư viện ở ngay trung tâm thủ đô Luân Đôn (Anh). Đó là Thư viện tưởng nhớ Mác (Karl Marx), thư viện duy nhất ở Anh dành cho nghiên cứu về chủ nghĩa Mác.

Thư viện Mác, tọa lạc trên phố Clerkenwell Green, trong tòa nhà được xây dựng từ năm 1738, là cơ sở đầu tiên của báo chí xã hội chủ nghĩa ở Anh vào cuối thế kỷ 19. Chính tại ngôi nhà này, V. I. Lênin đã hiệu đính 17 số báo Tia sáng nổi tiếng. Theo Giáo sư David McLellan, Chủ tịch Thư viện Mác, kể từ khi thành lập vào năm 1933, thư viện đã trở thành ngôi nhà tri thức của nhiều thế hệ học giả quan tâm nghiên cứu Mác và chủ nghĩa Mác.

Phóng viên Ngân Bình chụp ảnh cùng ông John Callow khi đến thăm Thư viện Mác.

Thư viện Mác lưu giữ nhiều tư liệu quí giá, từ cuốn "Apology for Poetry" (Bênh vực thơ ca) của Philip Sydney xuất bản năm 1588 đến những cuốn sách mới xuất bản. Thư viện có những bản in lâu đời nhất các tác phẩm của Mác bằng tiếng Nga và 50 tập của tuyển tập các tác phẩm của Mác và Ănghen (Friedrich Engels) bằng tiếng Anh. Thư viện cũng là nơi lưu trữ tuyển tập Hiến chương của James Klugmann, văn học cấp tiến của Anh và tư liệu về quân tình nguyện quốc tế chống chủ nghĩa phát xít.

Ông John Callow, Giám đốc Thư viện Mác, chuyên gia về chính trị thế kỷ 17, cho biết có hai lý do đưa đến sự ra đời của Thư viện Mác ngay giữa lòng đế chế Anh. Một là nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất (14/3/1883) của Mác – người từng làm việc và sinh sống tại Luân Đôn. Hai là phong trào phản đối chính sách đốt sách của Đức Quốc xã lúc bấy giờ.

Trong Thư viện Mác có một căn phòng nhỏ rất đặc biệt. Đó chính là nơi Lênin đã làm việc trong giai đoạn 1902 – 1903 khi Người đến Luân Đôn để tìm nơi in tờ báo Tia sáng. Trong phòng làm việc của Lênin hiện trưng bày nhiều bức trướng của Người thuộc bộ sưu tập của Harry Pallitt, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Anh. Giám đốc John Callow cho biết: “Lênin đã để lại một huyền thoại ở đây. Những người công nhân nhà in đã làm việc cùng Người, những người Anh cũng như người Nga đã dành cho Người sự kính trọng lớn lao. Và ngày nay, chúng tôi giữ lại căn phòng nhỏ này để tưởng nhớ Người và lưu giữ những kỉ niệm về Người”.

Thư viện Mác còn nhiều điều độc đáo khác, hứa hẹn mang lại những ngạc nhiên thú vị cho khách tham quan. Bên cạnh những cuốn sách, tư liệu quý hiếm về Mác, thư viện còn lưu giữ nhiều kỷ vật cá nhân của Người như chiếc hộp đựng xì gà mà Mác mua ở Kostbalt để tặng Ănghen, người bạn lớn - người cộng sự đắc lực của Mác.

Trên bức tường của phòng đọc có bức vẽ khổ lớn do họa sĩ Jack Hastings thực hiện năm 1935 với nhan đề “Sức mạnh của giai cấp công nhân”. Bức tranh này bị che kín sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và được khôi phục lại vào năm 1991.

Thư viện có những bộ sưu tập các đĩa sứ in hình ảnh về những sự kiện lớn trong lịch sử phong trào công nhân của nước Anh.

Ở tầng hầm có những tủ lưu trữ tư liệu về các quân tình nguyện quốc tế chống lại chủ nghĩa phát xít. Đây cũng là nơi lưu giữ các số báo Công nhân hàng ngày (Daily Worker - nay là báo Ngôi sao buổi sáng - The Morning Star), ra đời năm 1930 và là tiếng nói của Đảng Cộng sản Anh.

Thư viện Mác có quan hệ hợp tác với nhiều viện nghiên cứu và tổ chức ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo… Thư viện Mác cũng có quan hệ hợp tác với Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh của Việt Nam. Hai bên thường xuyên trao đổi sách báo tài liệu và hợp tác trong việc tìm kiếm tư liệu về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Luân Đôn.

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất” của Giáo sư Song Thành do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành, có trích lời của ông John Callow nói về chủ nghĩa Mác và Chủ tịch Hồ Chí Mính như sau: “Chủ nghĩa Mác là một hệ tư tưởng mà một trong những vẻ đẹp của nó là có thể thay đổi phù hợp với hoàn cảnh mà không hề cứng nhắc. Điều tuyệt vời của chủ nghĩa Mác là nó có thể điều chỉnh linh hoạt những con người khác nhau trên khắp thế giới; họ có thể suy nghĩ về những tư tưởng của Mác, thay đổi chúng, làm mới chúng, và phát triển chúng cho hợp với chính hoàn cảnh của mình và đất nước mình. Hồ Chí Minh, theo tôi, là một trong những người quan trọng nhất đã làm được việc đó. Đó là một người có óc sáng tạo tuyệt vời, một nhà thơ, một chiến sĩ kiên cường và vĩ đại”.
Bài và ảnh: Ngân Bình - Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN