Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa cho biết, thế giới cần ít nhất 40 năm để phục hồi tầng ozone trở về mức độ của thời điểm trước năm 1980 vì quá trình này tại những vùng địa cực và Nam cực không đồng nhất.
Lỗ thủng tầng ozone ở Nam cực. |
Chuyên gia Geir Braathen của WMO cho biết trong thập kỷ qua, tầng ozone bình lưu tại các vùng Bắc cực và Nam cực cũng như trên toàn cầu tuy không suy giảm thêm, nhưng vẫn chưa thực sự phục hồi. Dự đoán, vào giữa thế kỷ này, tầng ozone ngoài những vùng địa cực sẽ được cải thiện hơn nhiều so với mức độ trước năm 1980, nhưng tại Nam cực quá trình này sẽ kéo dài rất lâu nữa.
Năm 2000, lượng khí thải làm suy giảm ozone trong tầng bình lưu tại Nam cực đã lên mức tối đa nhưng hiện đang giảm với tỷ lệ khoảng 1%/năm. WMO cũng cho biết vào giữa tháng này, lỗ thủng ozone Nam cực sẽ nhỏ hơn so với cùng thời điểm của năm 2011, nhưng vẫn còn lớn hơn so với năm 2010. Lỗ thủng ozone Nam cực là một hiện tượng định kỳ hàng năm vào mùa đông và mùa xuân do nhiệt độ cực thấp trong tầng bình lưu và sự hiện diện của các chất suy giảm tầng ozone. Tốc độ phục hồi ozone tại đây được đánh giá là đang rất chậm.
Theo các nhà khoa học, mức độ suy giảm tầng ozone được ngăn chặn chính là nhờ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, được ký kết vào ngày 16/9/1987. Hiệp ước quốc tế này đã thành công trong việc buộc các nước giảm sản xuất và tiêu thụ, loại bỏ dần các hóa chất phá hủy tầng ozone. Năm 2012 đánh dấu lễ kỷ niệm 25 năm các nước ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, có hiệu lực từ ngày 1/1/1989.
TTG