Một tháng sau loạt vụ tấn công khủng bố ở sân bay Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels hôm 22/3 khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương, các binh sĩ có mặt hôm đó tại sân bay Zaventem vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì họ đã trải qua. Họ thực sự bị sốc nhưng đã quyết định phá vỡ sự im lặng.
Một tháng sau khi sống trong sợ hãi của vụ khủng bố ở sân bay Brussels và ga tàu điện ngầm Maelbeek, một số binh sĩ đã nói lên những tâm sự của mình.
Quân đội tiếp tục được tăng cường tuần tra trên đường phố thủ đô Brussels, đặc biệt tại các trung tâm mua sắm. |
"Đó thực sự là một kịch bản quá kinh khủng. Khi tôi và người đồng nghiệp đi đến sảnh khởi hành, 25 giây sau tiếng nổ thứ hai, khói bụi mù mịt khắp nơi, mùi khói lẫn với mùi máu và thịt người. Chúng tôi không suy nghĩ gì hết và ngay lập tức chạy đi giúp đỡ những người bị thương", trung sĩ Paul-Henri kể lại.
Là người có mặt tại lối vào sân bay khi xảy ra vụ nổ đầu tiên, trung sĩ Paul-Henri kể rằng chưa bao giờ anh nghĩ tới một kịch bản tồi tệ như vậy và khi điều đó xảy ra, Paul và người đồng nghiệp của mình tự nhủ: "Không, không phải chúng ta! Tốt rồi. Cần phải khóa bộ não lại và cứu giúp mọi người". Người đồng cấp của Paul ngay lập tức tới giúp một hành khách bị vết thương nặng ở cẳng chân trong khi Paul giúp một người khác tìm chỗ trú ẩn trước khi cứu giúp một nữ tiếp viên. "Tôi rất ấn tượng bởi khi tôi túm lấy người này, chiếc giày của cô ấy bị tan ra trong khi bàn chân không còn gì nữa. Nhưng Paul cũng được an ủi khi nói rằng không thấy ai chết trong vòng tay của mình.
"Một sự hỗn loạn! Nhiều mảnh kính vung vãi khắp nơi. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng còi hú. Những gì tôi nhìn thấy ở đó đã cho tôi sức mạnh tiếp tục làm việc", Christophe, người lính tuần tra cùng với chú chó của mình nói thêm. Anh và "người bạn trung thành" đã tới sân bay Zaventem vài chục phút sau vụ nổ đầu tiên để xác định xem liệu có còn thuốc nổ bỏ lại ở đó không. Và đúng dự đoán, tên Mohamed Abrini đã bỏ lại một vali chứa quả bom thứ 3.
Theo ông Nicolas, phụ trách vấn đề can thiệp thuộc Cơ quan gỡ bom mìn của quân đội tại sân bay Zaventem (SEDEE) cho biết chính việc phân tích hình ảnh giám sát trên camera mà lực lượng an ninh nhận thấy có một người đàn ông đội mũ đẩy xe. Cuối cùng, cái túi đã được tìm thấy và quả bom được cho kích nổ.
"Chú chó của tôi đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong nhiệm vụ đặc biệt này. Nó đánh hơi kỹ càng tận sâu trong từng hành lý, mặc cho khói bụi và các mùi nồng nặc, khó chịu, và tiếng còi rú inh tai. Kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, chúng tôi cùng đồng hành khắp nơi trên đất nước bởi cần phải chú ý nhiều hơn trước khi nhìn thầy một cái gì đó khả nghi. Giờ đây, tôi có động lực hơn trước", Chistophe tâm sự.
Sau khi xảy ra vụ khủng bố, binh sĩ được triển khai khắp nơi trên cả nước nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong việc đảm bảo an ninh tại những địa điểm nhạy cảm như nhà ga, bến tàu, trung tâm thương mại… "Chúng tôi chứng tỏ cho những ai nghi ngờ sự có ích của quân đội rằng chúng tôi rất bận rộn. Thường chúng tôi không ở nhà từ 2 – 4 tuần và làm việc tới 16 giờ mỗi ngày. Cho tới lúc này, chúng tôi vẫn chịu được. Nhưng đừng có thảm họa tương tự xảy ra ở Bỉ hoặc đâu đó. Chúng tôi không thể đáp ứng được. Chúng tôi mời tất cả các thanh niên muốn gia nhập quân đội hãy mau nộp đơn vào đơn vị chúng tôi. Chúng tôi cần những bầu máu mới và chính phủ đã chi ngân sách để tuyển thêm bính sĩ làm nhiệm vụ tuần tra", đại úy Guy Schotte, phụ trách các hoạt động tuần tra nhấn mạnh.
Cho tới nay, sân bay Zaventem đang dần lấy lại công suất ban đầu và hệ thống tàu điện ngầm gần như hoạt động bình thường. Vào ngày 23/4, ga tàu điện ngầm Maelbeek sẽ mở cửa để những nạn nhân sống sót sau vụ tấn công khủng bố được tham quan nơi mà họ đã phải trải qua những giây phút ngộp thở.