Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ thanh niên tự tử vào hàng cao nhất thế giới và luật pháp nước này coi đây là một dạng tội phạm. Những người tạo điều kiện hoặc xúi giục người khác tự tử có thể phải ngồi tù tới 10 năm. Nhưng nay đã có những thay đổi.Năm nay 21 tuổi, Hari là một người làm trong ngành truyền thông tại Ấn Độ, không thể quên đêm kinh hoàng mà anh đã trải qua cùng một người bạn 2 năm về trước khi cô này tìm cách tự vẫn.
Luật pháp Ấn Độ coi người muốn tìm đến cái chết là một tội phạm hình sự. |
Sự việc diễn ra tại một quán bar khi Hari cùng Isha và 2 người bạn tới đây để giải khuây, Isha buồn rầu kể rằng mình sẽ không thể có được người đàn ông mà cô yêu. Rồi Isha đi vào nhà vệ sinh và trở lại với một vết cắt lớn trên cổ tay. Hari khẩn trương đưa Isha tới bệnh viện nhưng “bác sĩ đã từ chối điều trị cho cô bởi đó là một vụ tự tử”.
Một lát sau, cảnh sát xuất hiện trước cả khi Isha được đưa về nhà để bác sĩ gia đình có thể chăm sóc cô. Hari nhớ lại: “Cảnh sát nói rằng Isha hiện là tội phạm và sẽ được đưa về đồn còn chúng tôi tiếp tay cho tội ác nên cũng phải tới đồn cảnh sát”.
Hari lập tức gọi điện cho cha mình, là một người có vai vế trong xã hội, “ông tới bệnh viện và tát tôi 2 hay 3 cái ngay trước mặt cảnh sát, để chứng tỏ với họ rằng ông rất nghiêm khắc và cũng là mong không phải trả nhiều tiền phạt để cứu tôi. Tôi được bảo lãnh sau khi trả 12.000 Rupee (190 USD)”.
Thời điểm đó, Hari đã vi phạm điều 309 trong Bộ luật hình sự 1860 của Ấn Độ vốn coi tự tử là một tội ác và có thể phải ngồi tù tới 1 năm. Bên cạnh đó, việc giúp đỡ hoặc xúi giục người khác tự tử cũng sẽ phải ngồi từ tới 10 năm và bị phạt lao động công ích. Lý lẽ mà các nhà làm luật Ấn Độ đưa ra đó là: Chúa trời ban tặng cho con người cuộc sống và chỉ có Người mới có quyền tước đi cuộc sống.
Tuy nhiên, những hình phạt khắc nghiệt đối với những người cố gắng tự tử như trên lại bắt nguồn từ một đặc trưng văn hóa của Ấn Độ: con gái phải có của hồi môn khi đi lấy chồng. Mặc dù nước này đã có những quy định cấm nhà trai đòi của hồi môn từ cô dâu và gia đình, nhưng sau khi kết hôn, các cô dâu ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ vẫn rất lo lắng về những đòi hỏi của hồi môn từ phía nhà chồng. Đó có thể là tiền mặt, vàng hay quà tặng và đây chính là những áp lực khiến nhiều cô gái trẻ tại Ấn Độ muốn tìm tới cái chết. Hình sự hóa việc tự tử chính là muốn ngăn những vụ việc này xảy ra.
Nhưng nay, dưới thời của Đảng Nhân dân (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Modi, điều luật này sẽ bị hủy bỏ. Nỗ lực này đã được Ủy ban Luật pháp (của quốc hội) Ấn Độ theo đuổi từ năm 2008. Họ khuyến nghị xem tự tử “như một biểu hiện của tình trạng bệnh lý về tâm thần và đáng được điều trị và quan tâm hơn là khép họ vào tội hình sự”.
Những quy định đến khá muộn trong bối cảnh Ấn Độ có tỷ lệ tự tử ở những người từ 15-29 tuổi cao nhất thế giới và rất cần phải xem xét lại cách thức chăm sóc sức khỏe tinh thần cho những đối tượng này. Tại rất nhiều thành phố ở Ấn Độ, phương pháp đo điện não đồ vẫn được sử dụng như một cách điều trị chung cho cả những người có xu hướng trầm cảm và muốn tự tử. Còn ở những làng quê, người ta chữa trị cho những người này bằng ... bùa chú.
Mặc dù trên thực tế, điều luật chống tự tử ít khi được áp dụng, nhưng sự tồn tại của nó, cùng với mối đe dọa phạt tù, đã ngăn những người muốn hoặc có ý định tự tử tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Giới chức chính quyền ở một số nơi thậm chí còn lợi dụng điều luật này cho mục đích chính trị hoặc kiếm tiền đút lót từ chính những gia đình có người tự tử.
Chandana, một cô gái trẻ Ấn Độ chia sẻ, khi đầu tháng này tôi biết điều luật về tự tử đã bị hủy bỏ, tôi đã khóc rất lâu. Mặc dù nó đã không được áp dụng để xử phạt mẹ tôi, nhưng tôi vẫn nhớ ngày mà một cảnh sát tới nhà khi mẹ tôi tìm cách tự tử nhưng không thành, lúc đó tôi mới 12 tuổi".
"Ông ta ngồi trên ghế và nói chuyện với cha tôi sau khi từ chối dùng trà và những cử chỉ hiếu khách khác từ một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ. Ông ta không vòi tiền nhưng cha tôi vẫn nhét vào tay ông ta với lời cảm ơn đã tới và về sự kiên nhẫn của ông. Đó chỉ là một trong rất nhiều lần mà mẹ tôi cố tự tử. Sau khi viên cảnh sát đi, tôi đã hỏi bố rằng liệu mẹ có bị bắt giữ không. Ông trả lời: “Bố cũng không biết”", Chandana hồi tưởng lại.
Cô bổ sung: "Mẹ tôi mắc bệnh muốn tự tử và chúng tôi đã phải mất tiền hết lần này đến lần khác vì nỗi bất hạnh của mình. Một ngày bà gặp tai nạn khi đang sang đường, một cảnh sát lại tới và tin rằng đó là do mẹ tôi muốn tự tử, chứ không phải là tai nạn. Bố tôi đã phải lo lót rất nhiều tiền cho vụ này. Những hóa đơn bệnh viện và tiền đút lót đó đã buộc chúng tôi phải từ bỏ ước mơ chuyển tới một căn nhà lớn hơn".
Cộng đồng người Jains có tục lệ tuyệt thực đến chết để mong thoát khỏi vòng luân hồi. |
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người muốn tự tử ở Ấn Độ đều mắc bệnh về tâm thần, bởi có những người muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi những cáo buộc chính trị hay vì lý do tôn giáo, như người Jains. Từ hàng ngàn năm nay, cộng đồng người Jains tại Ấn Độ duy trì tập tục kỳ lạ là nhịn ăn tới chết. Nghi lễ có tên Santhara này được họ xem như một cách tẩy trần thân thể, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Tại một số vùng ở phía Đông Bắc Ấn Độ, Đạo luật Sức mạnh đặc biệt các lực lượng vũ trang năm 1958 cho phép các sĩ quan thiêu chết công khai những nghi phạm có hành động chống lại nhà nước.
Một trong những cuộc biểu tình rầm rộ nhất là chiến dịch do Irom Chanu Sharmila tổ chức, cô gái 28 tuổi này hồi năm 2000 từng tuyệt thực nhằm kêu gọi bãi bỏ đạo luật trên. Năm nào, Sharmila cũng bị bắt giữ, họ truyền thức ăn qua đường mũi của cô, nhốt cô vào tù và một thời gian sau thả cô ra. Nhưng ngay sau khi ra tù, Sharmila tuyên bố sẽ tiếp tục tuyệt thực và lại bị cảnh sát bắt. Cáo trạng của cô là: Cố gắng tự tử và án phạt tù mà Sharmila phải chịu là 1 năm tù.
Nhưng từ nay, những công dân như cô Sharmila sẽ không phải chịu những án phạt tương tự, họ đã có quyền định đoạt số phận của mình và vì bất kỳ lý do nào, họ cũng sẽ không bị phạt. Vậy là cuối cùng, những công dân Ấn Độ đã có được quyền... được chết.
Thái Nguyễn (New York Times)