Ấn Độ trước nguy cơ giảm tỷ lệ tăng trưởng vì thiếu điện

Hai ngày cuối tháng 7 vừa qua, toàn bộ khu vực miền bắc và miền đông Ấn Độ với 600 triệu dân đã chìm trong bóng tối. Cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất lịch sử nước này đã làm cho mục tiêu "Nhiệm vụ 2012: Điện cho tất cả mọi người" trở nên xa vời, đồng thời gióng lên lời cảnh báo sự phát triển của ngành điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Mất điện, trẻ em Ấn Độ phải học bài trong ánh nến.

 

Chưa bao giờ Ấn Độ lại rơi vào cảnh hỗn loạn đến thế. Tại thủ đô Niu Đêli, toàn bộ ngành đường sắt và xe điện ngầm ngừng hoạt động, khiến giao thông tắc nghẽn. Đường sá ngày thường vốn đã nhiều xe cộ, nay lại không có hệ thống đèn giao thông, nên càng bị ken chật cứng. Các gia đình và các công ty phải chuyển sang sử dụng nguồn điện dự phòng. Không những thế, nhiều hộ gia đình thường dùng máy bơm nước chạy bằng điện, nên mất điện đồng nghĩa với việc không có nước để sinh hoạt.


Liên minh các ngành công nghiệp Ấn Độ cho biết, nhiều ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã thiệt hại hàng tỷ rupee vì khủng hoảng điện. Theo một quan chức giấu tên của Bộ Thương mại Ấn Độ, cho dù các ngành công nghiệp lớn đều có hệ thống điện dự phòng, song nguồn cung bất ổn vẫn ảnh hưởng đến đầu tư và làm các doanh nghiệp nhỏ lao đao.


Nghịch lý của Ấn Độ là tuy dồi dào tài nguyên, chủ yếu là trữ lượng than đá, nhưng quốc gia đông dân thứ hai thế giới này thường xuyên bị mất điện, có khi thời gian bị cắt điện trong ngày lên tới 10 tiếng trong khi nhiệt độ vào mùa hè tại thủ đô Niu Đêli thường lên tới 45 độ C. Ấn Độ luôn trong tình trạng thiếu điện tới 10% trong giờ cao điểm.


Nhà phân tích Michael Parker thuộc công ty Sanford C. Bernstein & Co. ở Hồng Công nhận định: Tình trạng mất điện nêu bật một vấn đề nổi cộm mà Ấn Độ đang đối mặt là chất lượng cơ sở hạ tầng. Cho dù kinh tế Ấn Độ có tỷ lệ tăng trưởng khá cao, khoảng 6-7%/năm, nhưng chính quyền lại thiếu đầu tư để nâng cấp hệ thống phân phối điện. Nguyên nhân là do mạng lưới điện của Ấn Độ đã quá cũ kỹ với hệ thống dây cáp chằng chịt khắp nơi.


Theo Cơ quan điện trung ương Ấn Độ, mạng lưới điện ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này hiện bị hao mất 27% lượng điện truyền tải, do thất thoát qua đường dây tải điện và do bị câu trộm. Thêm nữa, ngay cả vào thời kỳ cao điểm nguồn cung điện của nước này vẫn thấp hơn nhu cầu trung bình 9%.


Còn Giám đốc công ty Indian Energy Exchange Ltd, Jayant Deo cho rằng các công ty điện đã “kéo” nhiều điện hơn lượng đã ký hợp đồng với khách hàng và chính lượng điện phát sinh này đã đẩy mạng lưới điện quốc gia rơi vào tình trạng quá tải, khiến cho cả hệ thống bị sập. Theo Ủy ban điện lực trung ương Ấn Độ, 4 bang ở miền bắc gồm Uttar Pradesh, Haryana, Punjab và Uttarakhand, đã “kéo” thêm trung bình mỗi ngày 47,4 triệu đơn vị điện trong tuần bắt đầu ngày 10/7. Con số này tương đương 6% lượng điện được sản xuất ở khu vực miền Bắc ngày 27/7.


Hơn 65% sản lượng điện sản xuất tại Ấn Độ là từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như than đá, khí đốt và dầu mỏ, khoảng 19% là từ thủy điện, chỉ 2% là điện nguyên tử và 12% từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Quốc gia này phụ thuộc vào than để sản xuất trên một nửa sản lượng điện trong nước. Nhưng do Tập đoàn Than Ấn Độ (Coal India) hoạt động thiếu hiệu quả, khiến các nhà máy điện hoạt động dưới công suất. Nhà cung cấp than chủ chốt này luôn không đạt được mục tiêu sản lượng vì công nghệ lạc hậu. Trong tài khóa 2011-2012, sản lượng của Coal India chỉ tăng 4,5 triệu tấn, nhưng theo tính toán để đáp ứng nguồn cung tập đoàn này phải nâng sản lượng lên 64 triệu tấn trong tài khóa 2012 - 2013. Do vậy Ấn Độ buộc phải nhập than đá từ Ôxtrâylia, Môdămbích và Inđônêxia. Một số nhà máy điện không thể kham được chi phí nhập khẩu than đắt đỏ còn do chính sách kiểm soát giá điện của Ấn Độ - chính sách đã hạn chế khả năng sinh lời của các công ty điện lực cũng như không khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.


Thêm vào đó, lượng mưa trong mùa mưa năm nay ở mức thấp nhất trong ba năm qua và thấp hơn tới 22% so với mức trung bình hàng năm cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng điện giảm, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng. Điều này càng gia tăng sức ép lên mạng lưới điện quốc gia của Ấn Độ.


Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết, nếu căn cứ theo tình hình hiện nay để dự đoán, đến năm 2030, nguồn cung điện của Ấn Độ cũng chưa thể thỏa mãn nhu cầu của toàn bộ dân số.


Nghiêm trọng hơn, theo Ủy ban kế hoạch Ấn Độ, thiếu điện "đánh cắp" khoảng 1,2% tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này.

 

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN