Từ Hà Nội đến New Delhi, Thủ đô của Ấn Độ, mất khoảng 4 giờ đi máy bay. Đây là một trong những cái nôi văn minh của loài người với hơn 5.000 năm lịch sử, một đất nước đa văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Một đất nước giàu tiềm năng và đang trỗi dậy - Đất nước của những điều kỳ vĩ.
Là một trong 4 thành phố lớn của Ấn Độ, New Delhi mang trong mình những dấu ấn lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi đã chứng kiến sự trị vì của 2 vị Nữ hoàng và 70 vị Hoàng đế Ấn Độ. Cũng tại nơi đây, Quốc kỳ của nước Ấn Độ độc lập được kéo lên vào ngày 15/8/1947 (từ đó trở thành ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ), chấm dứt 200 năm thống trị của thực dân Anh. Đến New Delhi không thể không đến Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi ở Raj Ghat, bên bờ sông Yamuna, gần nơi an nghỉ của các nhà lãnh đạo tiền bối của Ấn Độ như J.Nehru, Indira Gandhi. Ông chính là người đã khởi xướng và theo đuổi suốt cuộc đời mình Nguyên lý bất bạo lực. Tại khu mộ của Mahatma Gandhi, nơi ông được hỏa táng sau khi bị ám sát, một ngọn lửa luôn cháy sáng, như một biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu, khát vọng hòa bình. Nhân dân Ấn Độ tôn kính gọi Mahatma Gandhi là Vĩ nhân. Và ngày sinh của ông (2/10) không chỉ được coi là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ, mà còn được Liên hợp quốc quyết định là Ngày quốc tế bất bạo động.
Là quốc gia có nền dân chủ lâu đời với sự hòa hợp giữa tôn giáo, xã hội và chính trị, Ấn Độ vốn nổi tiếng với những truyền thuyết về Viện Nhân dân, nơi đưa ra những quyết định quan trọng của cộng đồng. Nhiều dấu tích còn được lưu giữ cho thấy chế độ dân chủ đã được thực thi từ thời đại Chola ở Ấn Độ hơn 1.000 năm trước. Cho đến ngày nay, Ấn Độ vẫn duy trì những di sản của nền dân chủ cổ xưa thông qua Đại hội của những người trưởng thành và Hội đồng làng ở các vùng nông thôn.
Ấn Độ đã sớm phát triển các ngành công nghiệp và đạt nhiều thành tựu về khoa học công nghệ cao. Bằng chứng là sự ra đời của Liên đoàn các phòng thương mại, công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) vào năm 1920, Liên đoàn các phòng công nghiệp Ấn Độ (CII) từ 114 năm trước và Liên đoàn các phòng công thương Ấn Độ (FICCI) năm 1927. Ngày nay, trên một số lĩnh vực, Ấn Độ đã vươn lên ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược phẩm, vũ trụ, cơ khí chế tạo…
Đồng thời, Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển nhiều ngành công nghiệp nhỏ như sản xuất máy móc công trình nhẹ, phụ tùng xe máy, xe đạp, dụng cụ thể thao, dày dép, may mặc…
Với dân số đông thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và đang phát triển nhanh, Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh. Nhưng điều quan trọng hơn cả là Ấn Độ luôn yêu quí Việt Nam, coi Việt Nam là một trụ cột trong chính sách Hướng Đông. Qua tiếp xúc, giao lưu, bạn luôn nhắc đến Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp với tình cảm thắm thiết. Tình cảm ấy bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc. “Nếu Bốt Gaia là biểu tượng của di sản văn hóa mà chúng ta cùng chia sẻ, thì những đền đài Chăm lịch sử ở Mỹ Sơn, Việt Nam minh chứng cho những mối liên hệ văn minh to lớn giữa hai đất nước”, theo lời của Thủ tướng Manmohan Singh. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam Ấn Độ bắt nguồn từ sự đồng cảm trong cảnh ngộ bị chế độ thực dân đô hộ, trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích tương đồng trong xây dựng, bảo vệ đất nước... Đó là nền tảng hết sức vững chắc cho quan hệ hữu nghị chân thành giữa hai nước tiếp tục tiến lên phía trước”.
Khơi thông tiềm năng hợp tác
Từ hàng ngàn năm trước, các thương gia Ấn Độ đã vượt đại dương đến Việt Nam kết nối quan hệ làm ăn. Ngày nay, cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đến Việt Nam ngày càng nhiều. Nhận rõ những tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ, Chủ tịch Liên đoàn các phòng công thương Ấn Độ (FICCI) Ramu S Deora cũng chia sẻ những băn khoăn khi nhiều mặt hàng do chính công ty ông sản xuất lại phải đi đường vòng qua một nước thứ ba rồi mới vào Việt Nam. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, ông đã tính tới việc xây dựng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, ông Ramu S Deora mong muốn các cơ quan chức năng hai nước xem xét việc cấp thị thực dài hạn hơn, cũng như việc mở các tuyến bay thẳng giữa hai nước. Ông cho rằng, các nhà đầu tư cần tăng cường hợp tác hơn nữa để khai thác tiềm năng to lớn và đóng góp vào sự thịnh vượng của cả hai quốc gia.
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, việc ký kết Hiệp định vận tải hàng không sẽ tạo điều kiện thiết lập đường bay trực tiếp giữa hai nước, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch... và hai nước sẽ xích lại gần nhau hơn. Còn Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chương trình hợp tác được ký kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng Khoa học - Công nghiệp Ấn Độ, tập trung vào 5 lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn.
Ngay sau đây, hai bên sẽ thành lập nhóm công tác, nhóm nghiên cứu sâu và triển khai một số sản phẩm, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng tiến tới hình thành trung tâm hợp tác khoa học công nghệ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng Khoa học - Công nghiệp Ấn Độ. Về phương thức hợp tác, sẽ kết hợp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra mối liên kết giữa đại học với doanh nghiệp. Sản phẩm làm ra phải thương mại hóa được, đặc biệt là các sản phẩm hóa dược phục vụ số đông người nghèo. Nghiên cứu khoa học kết hợp với các chương trình đào tạo tiến sỹ, nghiên cứu sinh, qua nghiên cứu học viên sẽ trưởng thành, đồng thời các nhà khoa học sẽ có một đội ngũ giúp việc rất tốt, đó là mô hình mà Hội đồng Khoa học - Công nghiệp Ấn Độ đã thực hiện rất hiệu quả và Việt Nam thấy khả thi...
Kiều Chi