Trong số 19 đồng phạm nói trên, có 2 bị can mang quốc tịch Trung Quốc gồm: Nông Kiến Châu (tên gọi khác là Nông Kiện Chu, sinh năm 1984, làm nghề lái xe, thường trú tại Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và Hà Hán Dũng (sinh năm 1982, làm nghề lái xe, thường trú tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Còn lại, Trịnh Đức Thọ và 17 đồng phạm đều bị truy tố về tội “buôn lậu” gồm: Trần Văn Kim (sinh năm 1972), Nguyễn Văn Nguyên (sinh năm 1982), Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1972) cùng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Triệu Văn Tiến (sinh năm 1995), Phùng Văn Xấm (tức Sâm, sinh năm 1991), Hoàng Minh Vũ (sinh năm 1986), Lý Văn Nội (sinh năm 1987) cùng trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; Trịnh Xuân Chung (sinh năm 1974), Đinh Hoài Nhơn (sinh năm 1983), Trịnh Xuân Thiện (sinh năm 1982) cùng trú tại xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Vũ Văn Huấn (sinh năm 1978), Hoàng Thị Phượng (sinh năm 1979) đều trú tại phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1983, trú tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), Trịnh Xuân Ngọc (sinh năm 1970, trú tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), Trần Hồng Quân (sinh năm 1996, trú tại xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1987, trú tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), Trịnh Thị Kim Huế (sinh năm 1970, trú tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trịnh Đức Thọ thành lập các công ty: Công ty Cổ phần Dược Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Ngũ Phúc Hội, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản Bắc Khánh Yên, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu thương mại Quảng Phát. Trong quá trình kinh doanh, từ tháng 1/2018, Trịnh Đức Thọ đã chỉ đạo mua gom hàng hóa tại Trung Quốc, vận chuyển trái phép về Việt Nam bằng đường mòn, lối mở để tiêu thụ, thu lợi bất chính. Thọ buôn lậu hàng hóa chủ yếu gồm: thuốc bắc, vải, thiết bị điện tử, đồ điện gia dụng…
Thọ thuê các kho bãi để tập kết, phân loại hàng hóa. Thọ sử dụng các xe ô tô tải, xe cẩu, máy xúc, mua và lắp đặt một cây xăng dầu để cấp dầu cho các phương tiện, phục vụ hoạt động buôn lậu. Lợi dụng vị trí biên giới ít người qua lại, Thọ chỉ đạo đồng phạm sử dụng máy xúc san gạt khu đất trống làm bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa, tháo dỡ hàng rào của cơ quan Biên phòng, mở đường cho xe ô tô tải do người Trung Quốc điều khiển vận chuyển hàng hóa qua biên giới vào địa phận Việt Nam.
Thọ thuê người, đưa các xe tải lên khu vực biên giới nhận, kiểm đếm hàng hóa từ các xe Trung Quốc, vận chuyển về các kho hàng của Thọ tại Lạng Sơn. Tại các kho, Thọ thuê người nhận, kiểm đếm phân loại hàng, giao cho các lái xe ô tô vận chuyển đi tiêu thụ tại một số địa phương trong nước. Thọ thuê người thu tiền từ các đối tượng tiêu thụ hàng hóa, thuê người trả tiền hàng Thọ đã mua cho các chủ hàng Trung Quốc.
Cụ thể, để tổ chức nhận hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc, Thọ đã thuê và giao nhiệm vụ cho: Trần Văn Kim quản lý, tổ chức, điều hành toàn bộ việc tiếp nhận hàng hóa tại các kho, sửa chữa các xe ô tô vận chuyển hàng hóa bị hư hỏng; Nguyễn Văn Thi điều hành việc bốc xếp, giao nhận và vận chuyển hàng hóa tại khu vực biên giới về kho; Nguyễn Văn Nguyên, Hoàng Thị Phượng tổ chức nhận hàng tại các kho; Trịnh Xuân Ngọc lái xe cẩu để cẩu các hàng hóa nặng và quản lý, cấp dầu cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa buôn lậu; Trần Hồng Quân lái máy xúc san gạt đất mở đường và tạo bãi đỗ xe tập kết hàng hóa buôn lậu; Nguyễn Thị Dung lên khu vực biên giới để nhận bàn giao hàng từ các xe Trung Quốc…
Với phương thức, thủ đoạn trên, từ tháng 1/2018 đến ngày 14/12/2018, Trịnh Đức Thọ đã nhiều lần tổ chức nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn. Thọ chỉ đạo đồng phạm tạo đường vận chuyển, bãi đỗ xe để giao nhận hàng, câu kết với các đối tượng bên Trung Quốc gom mua hàng hóa, thuê ô tô vận chuyển bằng đường mòn, lối mở vào địa phận Việt Nam.
Thọ thuê các kho bãi tại Lạng Sơn, mua các phương tiện, cấp nhiên liệu, thuê và chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để giao nhận, vận chuyển, kiểm đếm, phân loại hàng hóa, đưa đi tiêu thụ; thuê người thanh toán tiền mua hàng tại Trung Quốc và thu tiền tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam.
Ngày 14/12/2018, mặc dù đang chữa bệnh tại Nhật Bản nhưng Thọ vẫn chỉ đạo các đồng phạm nhận hàng hóa nhập lậu là thuốc bắc, vải… và đã bị cơ quan Công an bắt quả tang.
Viện Kiểm sát xác định, hàng hóa do Trịnh Đức Thọ buôn lậu bị thu giữ có tổng trị giá hơn 7,6 tỷ đồng. Số tiền hơn 30 tỷ đồng là do Nguyễn Văn Đông chuyển vào tài khoản của Thọ nhiều lần, trong một thời gian dài, từ tháng 1/2018 đến khi bị bắt. Số tiền này bao gồm tiền hàng hóa do Thọ buôn lậu và tiền cước vận chuyển thuê cho các đối tượng buôn lậu khác.
Tài liệu điều tra chưa xác định và phân biệt được cụ thể trị giá từng chuyến hàng Thọ nhập lậu đã đưa đi tiêu thụ, số tiền Thọ thu được từ việc vận chuyển hàng nhập lậu và tiền thu lợi bất chính nên chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thọ và các bị can khác về số tiền hơn 30 tỷ đồng nói trên. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng đây là khoản tiền Thọ thu được từ hoạt động buôn lậu và vận chuyển hàng buôn lậu, là tiền thu nhập bất chính nên cần tịch thu sung quỹ nhà nước.
Nông Kiến Châu và Hà Hán Dũng đã có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới Việt - Trung cho Thọ với tổng trị giá hàng hóa vận chuyển hơn 2,1 tỷ đồng, do đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Cáo trạng kết luận, trong vụ án này, Trịnh Đức Thọ là người chủ mưu cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu trong một thời gian dài với số lượng hàng hóa lớn. Các bị can khác thực hiện hành vi buôn lậu với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trịnh Đức Thọ.