Triệt phá nhiều kho hàng lậu tại khu vực biên giới

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến nay, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì phối hợp với lực lượng Công an phát hiện hơn 50 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, bắt giữ 8 đối tượng.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an làm việc với ông Phan Thanh Toàn, chủ kho đường cát nghi nhập lậu (tỉnh An Giang). Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, còn 18 vụ án ma túy, 19 đối tượng do cơ quan Hải quan chủ trì phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ. Cùng thời gian này, lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện 11 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, bắt giữ 7 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 353 triệu đồng.

Đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh: Gần đây, nhiều kho, điểm chứa hàng hóa nhập lậu tại khu vực biên giới An Giang đã bị Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu liên tiếp phát hiện.

Mới đây nhất, Tổ kiểm tra liên ngành chống buôn lậu An Giang phối hợp với Công an huyện An Phú, Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Long Bình kiểm tra hộ kinh doanh không rõ biển hiệu địa chỉ tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Qua kiểm tra, phát hiện bên trong kho hàng có chứa 191 bao đường cát tinh luyện (hơn 9,5 tấn) trên bao bì ghi xuất xứ nước ngoài, không nhãn phụ kèm theo, nghi vấn là hàng hóa nhập lậu.

Trước đó ngày 4/11, Cục Hải quan An Giang tham gia Tổ kiểm tra liên ngành chống buôn lậu An Giang phối hợp cùng Công an huyện An Phú, Biên phòng cửa khẩu Long Bình kiểm tra kho hàng tại ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình do ông Tạ Minh Phúc, sinh năm 1973 làm chủ. Kết quả phát hiện trong kho chứa gần 1.700 lít cồn y tế được đóng trong 600 can nhựa, loại 30 lít/can và 8 thùng phuy nhựa loại 210lít/phuy.

Theo Cục Hải quan An Giang, tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới dù đã giảm nhiều nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn tìm cách vận chuyển về Việt Nam. Các đối tượng dùng thủ đoạn thay đổi sang bao bì nhãn mác Việt Nam hoặc còn nguyên bao bì nhãn mác Campuchia, sử dụng ghe, vỏ lãi, xuồng máy công suất lớn, xe gắn máy xoáy nòng để vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu dùng bộ hồ sơ hải quan của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát của Campuchia để đối phó khi các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. 

Đặc biệt, các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể có địa điểm kinh doanh hoặc kho chứa hàng trong khu vực biên giới; các hộ sản xuất kinh doanh đường phèn, đường thốt nốt chuyên sử dụng đường cát nhập lậu làm nguyên liệu sản xuất tại khu vực biên giới, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Để chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua cửa khẩu Bình Nghi (Lạng Sơn), Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn vừa yêu cầu các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình nhằm đấu tranh, ngăn chặn và bắt giữ hiệu quả đối với các đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới tại địa bàn cửa khẩu Bình Nghi.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu tháng 10/2021 trở lại đây, hoạt động, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các mốc giới số 1036, 1036/5, 1037 (đường sông) nằm trong địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu phụ Bình Nghi (thuộc địa bàn cửa khẩu Tân Thanh) có dấu hiệu phức tạp.

Các đối tượng thường sử dụng các bè, mảng nhựa composite của Trung Quốc có gắn động cơ chạy dọc theo bờ sông để vận chuyển hàng hóa nhập lậu và xuất lậu. Hàng hóa nhập lậu được các đối tượng vận chuyển chủ yếu là quần áo, điện thoại thông minh, linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại...
Đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn cửa khẩu phụ Bình Nghi kể từ ngày 7/10/2021 cho đến khi tình hình địa bàn ổn định.

Theo đó, đơn vị sẽ tập trung kiểm soát tốt tuyến đường sông tại khu vực các mốc giới số 1036, 1036/5, 1037 và tăng cường rà soát, nắm tình hình các mốc giới đường bộ số 1030, 1033, 1038; kiên quyết không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn kiểm soát hải quan tại cửa khẩu phụ Bình Nghi trong thời điểm COVID- 19 vẫn phức tạp.

 

Tuyết Nhung/Báo Tin tức
Tổng cục Hải quan phản hồi về vụ 22.000 lon sữa viện trợ
Tổng cục Hải quan phản hồi về vụ 22.000 lon sữa viện trợ

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản 5315/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh về việc vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN