Ông Trần Kiều Hưng cho biết: Sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của Việt Nam. Việc Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện vụ rượu ở Quảng Nam lấy thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 là góp phần bảo vệ thương hiệu này, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả các sản phẩm của sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao nên nhiều đối tượng có lòng tham thường lợi dụng thương hiệu này để làm nhái, làm giả. Hiện tại có một số loại sâm, thực vật khác hình dáng giống sâm Ngọc Linh được đưa từ các tỉnh lên Kon Tum để trà trộn trên thị trường và trục lợi bất chính.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, cho biết: Dịp lễ, Tết nhiều đối tượng lợi dụng thương hiệu, uy tính của sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa đảo. Vì vậy, khi mua các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nên lựa chọn mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Cục Bản quyền tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký và bảo hộ.
Thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đấu tranh với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Như TTXVN đã đưa tin, chiều 3/2, nhận được tin tố giác từ quần chúng nhân dân, tại Khối phố 8, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện 7 thùng rượu với 112 chai rượu giả thương hiệu sâm Ngọc Linh. Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, đựng trong hộp mang nhãn hiệu rượu lá sâm Ngọc Linh; địa chỉ sản xuất là tại số 426/31, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Mở rộng điều tra vụ việc, ngày 5/2, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra cơ sở trên thì phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lực lượng Quản lý thị trường 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã lập biên bản tạm giữ số rượu trên và tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.