Nhân viên bán xăng gian lận, cơ quan xử phạt lúng túng

Các đơn cơ quan chức năng đang gặp khó trong việc xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp khi để nhân viên cây xăng bán ăn gian cho khách hàng.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi có nhân viên thuộc doanh nghiệp phát sinh hành vi tự ý gian lận lượng xăng, dầu bán ra.

Đoàn liên ngành kiểm tra và dán tem cột bơm xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu số 1 phố Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Còn đối với hành vi mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, mức phạt tiền theo quy định từ 3 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm (theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP). 

Theo đó, giá trị hàng hoá vi phạm chất lượng = lượng hàng hoá vi phạm chất lượng x giá bán (trong đó lượng hàng hoá vi phạm chất lượng là lô hàng hoá có mẫu đại diện được gửi đi thử nghiệm, chính là số lượng xăng còn tồn được đo kiểm tại thời điểm kiểm tra).

Tuy nhiên, mức phạt tiền theo cách tính như trên liệu có vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ hay không thì không thể có cơ sở để xác định được.

Theo Ban chỉ đạo 389, hiện chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn việc kiểm tra sai số phép đo hay kiểm tra sai số phương tiện đo của cột đo xăng dầu để thống nhất áp dụng trong công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó dẫn đến chưa nhất quán trong công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường của các cơ quan quản lý có cùng chức năng quản lý về đo lường, chất lượng xăng dầu.

Về chất lượng xăng dầu, lực lượng kiểm soát cho biết, vẫn còn tình trạng lợi dụng sự tin tưởng của các cửa hàng xăng dầu, một số đối tượng xấu cấu kết với các tài xế xe bồn để rút ruột và tráo nguồn hàng làm thay đổi chất lượng xăng dầu. 

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh mặt hàng xăng dầu, các chuyên gia trong ngành cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách nhằm bịt lỗ hổng hiện nay.

Cụ thể: sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá được ấn định nhiều nhất không quá 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm; bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp khi phát sinh hành vi gian lận lượng xăng, dầu bán ra tại địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách nhấn số trên bàn phím điều khiển để thay đổi số tiền hiển thị hoặc bơm chồng số (chưa trả về số không trước khi bán cho người kế tiếp).

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng và ban hành Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam Quy trình kiểm tra cột đo xăng dầu (kiểm tra sai số phép đo, kiểm tra sai số phương tiện đo) để tạo điều kiện cho công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường đối với cột đo xăng dầu thống nhất trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn cách xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp để làm căn cứ trong quá trình áp dụng các hình thức xử lý về hành vi vi phạm đo lường xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, địa phương cũng tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP (bổ sung hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu) để tạo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và thống nhất trong công tác xử lý vi phạm hành chính khi kiểm tra sai số phép đo, kiểm tra sai số phương tiện đo đối với cột đo xăng dầu; cần nhân rộng và thực hiện có hiệu quả việc dán tem thuế đối với các trụ bơm xăng, dầu trên toàn quốc để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Minh Phương/Báo Tin tức
Hòa Bình dán tem cột bơm xăng để chống gian lận xăng dầu
Hòa Bình dán tem cột bơm xăng để chống gian lận xăng dầu

Ngày 29/3, lực lượng liên ngành gồm: Cục Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã phối hợp tổ chức dán tem chống gian lận xăng, dầu trên địa bàn thành phố Hòa Bình đối với 26 cơ sở bán lẻ nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN