Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm trên 2.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, chiếm hơn 110% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 13,9 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 165 vụ; 235 đối tượng; trong đó, 10 vụ/22 bị can vận chuyển, buôn bán pháo nổ; 154 vụ/211 bị cáo buôn bán, tàng chữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, trồng cây chứa chất ma tuý.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn phức tạp. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông quan điện tử để gian lận thương mại. Trong số đó có hành vi không khai hoặc khai không đúng số lượng, chủng loại, giá của hàng hóa để trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, găm cắm hàng lậu trong các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, lợi dụng quy định ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu để gian lận về nguồn gốc, xuất xứ. Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong một số loại hình kinh doanh thương mại phi truyền thống, hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.
Phân tích, dự báo về các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn, nhấn mạnh, phương thức sản xuất, kinh doanh, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đã có nhiều thay đổi, hình thức ngày càng tinh vi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Thanh Sơn đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh; Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các huyện, thành phố; cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các lực lượng, kiên quyết xử lý "không có vùng cấm" các trường hợp vi phạm trong công tác này.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 5/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026; Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 29/5/2021 của UBND tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025...
Các thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh chủ động nắm bắt các phương thức thủ đoạn mới trong hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh đối với địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để hình thành đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ thực thi công vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trực tiếp làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa. Song song, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo không bị trùng lặp về nội dung, đối tượng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.