Số hàng hóa tiêu hủy bao gồm 960 đôi tất nam nhãn hiệu Lacoste; 1.316 đôi tất nam nhãn hiệu Adidas; 1.300 đôi tất nam nhãn hiệu Nike, 800 đôi tất nam nhãn hiệu Calvin Klein; 1.080 đôi tất nam nhãn hiệu Tommy Hilfiger. Bên cạnh đó, đơn vị trong Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc còn tiêu hủy hàng nghìn chiếc ví da, chiếc túi xách, quần áo, chăn, lưỡi cưa, lưỡi bào máy, chổi than... mang các nhãn hiệu nổi tiếng.
Hình thức tiêu hủy các loại hàng hóa, sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nêu trên là cắt, chặt bỏ làm mất giá trị sử dụng của sản phẩm. Quá trình tiêu hủy số hàng hóa này được tiến hành nhanh, gọn, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị, phòng chức năng của Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc.
Thời gian tới, các đơn vị trong Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi gian lận thương mại, loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường.
Những năm gần đây, tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn diễn ra phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán hằng năm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhóm hàng thực phẩm như bánh, kẹo, rượu, bia, mì chính, thịt cá đóng hộp, nước giải khát, dầu thực vật là những mặt hàng được coi là khó khăn trong kiểm tra, quản lý. Trong khi đó, ngành chức năng thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu thiết bị kiểm tra.
Vĩnh Phúc đang đề nghị ngành chức năng tỉnh quan tâm tới việc mua sắm thêm trang thiết bị, tập huấn nghiệp vụ và tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đẩy lùi các vi phạm, bảo vệ hiệu quả các quyền lợi của người tiêu dùng.