Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, hoạt động này đang có nguy cơ tái bùng phát trở lại, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội, An Giang…
Nguyên nhân là do có nhiều bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật, cộng với đường biên giới giáp các nước lân cận dài, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở... khiến công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, kẽ hở về chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe và lợi nhuận “khủng” từ buôn lậu, vận chuyển trái phép, kinh doanh thuốc lá do nước ngoài sản xuất, nên các đối tượng đã tìm mọi cách để buôn lậu.
“Trên tuyến biên giới đường bộ, thuốc lá lậu được xé lẻ, lợi dụng đêm tối, rạng sáng, các đối tượng thường thuê người mang vác vận chuyển thuốc lá qua biên giới, sau đó dùng xe máy hoặc giấu trên các xe tải, xe khách đưa vào nội địa tiêu thụ. Trên biển, các đối tượng thường sử dụng xuồng cao tốc, bè, mảng để vận chuyển”, đại diện Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia nói.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh trong thời gian tới, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu BCĐ 389 bộ, ngành, địa phương phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Đơn vị nào để xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, phải chịu trách nhiệm; tiến hành điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng buôn lậu và thực hiện quyết liệt các phương án đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài ra, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, mua bán thuốc lá nhập lậu, để có biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước.