Đó là những nhận định tại Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch số 243/KH-VPTT (Kế hoạch 243) đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai được tổ chức mới đây tại Quảng Ninh.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng. Ảnh: K.Dung |
Theo VP 389, trước đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến phức tạp trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc. Tại một số nơi đã hình thành các tụ điểm tập trung đông người ngay sát đường biên cả ngày và đêm để mang vác, bốc xếp hàng hóa trái phép qua đường mòn trên núi, đồi, qua nhà dân, khu vực đất giao rừng, qua sông biên giới.
Các đối tượng vận chuyển đa số là dân di trú làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa thuê, thường xuyên xuất cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, sau đó nhận hàng và vận chuyển trái phép hàng qua biên giới về Việt Nam. Số hàng hóa này sau khi qua biên giới, được đưa lên các phương tiện xe máy, xe ô tô hoán cải, đò... để tập kết về các kho, chợ khu vực gần cửa khẩu. Hàng hóa này sẽ được trà trộn vào các lô hàng nhập khẩu chính ngạch, hàng cư dân biên giới, hợp lý hóa bằng hóa đơn xuất bán hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khu vực biên giới để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ. Hàng ngày có chục lượt xe ô tô tải, xe khách hoán cải các loại vận chuyển hàng lậu vào nội địa.
Tại các cửa khẩu, các đối tượng thường gian lận về chủng loại, số lượng hàng hóa. Lợi dụng thủ tục hải quan tự động, ưu đãi về loại hình, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để buôn. Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới cũng bị các đối tượng lợi dụng. Các đối tượng thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu về Việt Nam sau đó đươc thu gom, tập kết tại một điểm. Số hàng hóa này sẽ được hợp thức hóa bằng những tờ hóa đơn bán hàng để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Trước tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc, VP 389 đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch 243 và được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phê duyệt.
Để triển khai kế hoạch, lãnh đạo VP 389 và Cục Điều tra chống buôn lậu đã làm việc với ban chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh thống nhất các phương án đấu tranh cụ thể đối với từng địa bàn, từng khu vực. Vì vậy, từ khi triển khai kế hoạch, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới tại các tỉnh biên giới đã có sự chuyển biến tích cực.
Tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị (Lạng Sơn); Móng Cái (Quảng Ninh) không còn tồn tại các tụ điểm tập trung đông người, vận chuyển hàng lậu công khai, ngang nhiên. Các đối tượng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức xé nhỏ hàng hóa, đi từng nhóm nhỏ lợi dụng đêm tối, giờ thay ca và mở những lối mòn mới để vận chuyển hàng.
Kết quả bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại tại 3 tỉnh thời gian qua tăng cao so với trước khi thực hiện kế hoạch (trước tháng 7/2017). Cụ thể, tổng số vụ vi phạm đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý tại Quảng Ninh là1319 vụ, tăng so với tháng 7 năm ngoái từ 31,8% đến 79,1%; trị giá hàng hóa 32,52 tỷ đồng, tăng từ 67,1% đến 126% so với tháng 7 năm ngoái.
Tổng số vụ vi phạm đã xử lý tại Lạng Sơn là 2.324 vụ việc (bằng 98,7% so với 6 tháng đầu năm ngoái), xử phạt vi phạm hành chính 16.658,1 triệu đồng (tăng 90,0% so với 6 tháng đầu năm 2017), truy thu thuế, phạt bổ sung 12.797,5 triệu đồng (tăng 22,7% so với 6 tháng đầu năm ngoái), tịch thu hàng hóa trị giá 48.753,3 triệu đồng (tăng 34,4% so với 6 tháng đầu năm ngoái)...